Đối xử thông minh với tài nguyên quốc gia

26/09/2009 00:41 GMT+7

Theo một số báo cáo thì vào khoảng năm 2012 chúng ta sẽ phải bắt đầu nhập khẩu than và trong 30 năm nữa chúng ta hết sạch than. Trong khi đó hiện nay xuất khẩu than (chưa tính than trôi nổi, thổ phỉ) chiếm 50% sản lượng của ngành than và tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản chiếm đến 21,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Một con số đáng buồn, nhất là khi chúng ta chủ yếu là xuất khoáng sản thô.

Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta cần khai thác nhiều tài nguyên nhưng phải làm sao việc khai thác thực sự đem lại hiệu quả, giảm thiểu hậu quả.

Phần lớn tài nguyên của chúng ta là loại tài nguyên không tái tạo, có nghĩa nếu chúng ta sử dụng nó sẽ mất đi vĩnh viễn, sẽ cạn kiệt như dầu mỏ, than đá, titan; đấy là chưa kể các nguồn khác như quỹ đất, quỹ rừng cũng đang bị xâu xé manh mún. Những bãi biển đẹp nhất từ Nam chí Bắc đã và đang bị phân chia làm resort, kể cả những bãi biển hoang sơ xung quanh các khu bảo tồn thiên nhiên như  núi Chúa, Côn Đảo, Phú Quốc, Bình Châu. Cát ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bị vơ vét bán ra nước ngoài với giá rẻ mạt. Khoáng sản là những thứ tài nguyên hữu hạn và không thể tái tạo lại, cho nên chúng ta cần phải cân nhắc hết sức thận trọng trước khi khai thác. Nếu chúng ta chưa thể tinh chế hoặc sử dụng một cách có hiệu quả thì hãy để cho các thế hệ sau có cơ hội làm việc đó. Bằng không, vài chục năm nữa con cháu chúng ta sẽ phải đi nhập nguyên, nhiên liệu với giá rất cao.

Vấn đề hiện nay là làm thế nào để chúng ta có thể sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm và khôn ngoan hơn? Việc đầu tiên, theo tôi là phải củng cố hệ thống pháp luật, quy trách nhiệm cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý các nguồn tài nguyên của đất nước một cách rõ ràng và nghiêm khắc.

Chảy máu than ở Quảng Ninh là bài học đau xót và nó là một bằng chứng cho việc chúng ta đang lãng phí tài nguyên quốc gia. Vấn đề đáng buồn hơn còn ở chỗ, chính các công ty được Nhà nước cho phép khai thác than đã khai gian số lượng để rồi tuồn bán ra nước ngoài gây thất thoát rất lớn cho đất nước. Việc gần đây TKV đặt vấn đề khai thác bể than đồng bằng sông Hồng đang đặt ra nhiều quan ngại. Quan ngại lớn nhất là vấn đề môi trường và hoàn nguyên theo Luật Tài nguyên - Khoáng sản. Tôi thấy có ý kiến từ TKV cho rằng, sẽ lấy than lên rồi bù bằng cát với lập luận cát rẻ hơn than. Tuy nhiên chi phí đưa than lên rồi đưa cát xuống là bao nhiêu, và lợi nhuận từ khai thác này có đáng để chúng ta đánh đổi những rủi ro phát sinh hay không là điều chúng ta phải tính đến. Biết rằng than sẽ cạn kiệt trong tương lai gần, sao ta không hạn chế hoặc cấm xuất khẩu than, để dành cho các thế hệ tương lai khai thác với công nghệ tiên tiến, hiệu quả hơn? Nhớ rằng người Mỹ đã chấp nhận đi mua dầu với giá cao để giữ nguyên những mỏ dầu khổng lồ của họ vì biết chắc các mỏ “vàng đen” trên thế giới sẽ dần cạn kiệt.

Quốc hội đang bàn để ban hành Luật Thuế tài nguyên, dự kiến thuế khai thác tài  nguyên sẽ tăng gấp 3-5 lần hiện nay. Đây cũng được coi là biện pháp bảo vệ tài nguyên. Trong quá trình thảo luận cũng có ý kiến cho rằng, nếu tăng thuế như vậy sẽ không có công ty nào muốn đầu tư vào ngành khai khoáng của VN. Nhưng theo tôi, đó chỉ là những dự án khai khoáng không hoặc chưa có hiệu quả, còn những dự án tốt thì vẫn có thể triển khai, hơn nữa, giá tài nguyên đắt đỏ sẽ buộc người ta phải sử dụng tiết kiệm và bền vững hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Đình Xuân (Ủy viên UB KH - CN và MT của Quốc hội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.