Đổi mới giám sát của Quốc hội

24/11/2016 06:27 GMT+7

Sau hơn một tháng làm việc, hôm qua, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ hai với nhiều nội dung quan trọng.

Theo đánh giá của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.
Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016, kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu... Quốc hội cũng thấy tinh thần nói đi đôi với làm, năng động, đổi mới từ người đứng đầu Chính phủ.
Quốc hội cũng đã tích cực thảo luận với tinh thần thẳng thắn về những hạn chế, bất cập của đất nước như: điều hành kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm; tình trạng đầu tư thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của một số dự án; nợ công đang ở mức cao, công tác xử lý nợ xấu chưa đạt yêu cầu; những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, quản lý đô thị, môi trường, tệ nạn xã hội, kỷ luật hành chính chậm được khắc phục; tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng.
Đây cũng chính là những bức xúc, lo lắng được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm.
Những quyết nghị quan trọng nhất đã được QH thông qua, mà một trong số đó là Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề án tái cơ cấu nền kinh tế; Lần đầu tiên QH thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Nhưng điều quan trọng là làm sao để đưa các quyết nghị đó đi vào cuộc sống, từ đó đặt ra yêu cầu về việc đổi mới công tác giám sát, đến thực thi chính sách pháp luật, rồi hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Phải thừa nhận thực tế rằng, hoạt động giám sát của QH hiện đang là khâu còn tồn tại, chất lượng giám sát chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều vấn đề bất cập trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội có xuất phát điểm từ hoạt động giám sát chưa hiệu quả này.
Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết các kỳ ĐH Đảng đều nhấn mạnh đến việc phải đổi mới tổ chức và hoạt động của QH. Và “nâng cao chất lượng giám sát của QH” luôn được coi là một trong những biện pháp thúc đẩy cải cách bộ máy nhà nước, tăng cường pháp chế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.