Diệt 'giặc' quá tải

01/11/2015 08:20 GMT+7

Mỗi năm, hàng nghìn tỉ đồng phải bỏ ra để sửa chữa đường sá, mà xe quá tải là một trong những thủ phạm chính.

Mỗi năm, hàng nghìn tỉ đồng phải bỏ ra để sửa chữa đường sá, mà xe quá tải là một trong những thủ phạm chính.

Khi xe chở quá tải, khiến cho việc điều khiển không chính xác, hệ thống thắng xe kém hiệu lực, dẫn đến mất an toàn giao thông. Vậy nên dễ hiểu, tại hội nghị kiểm soát trọng tải xe hôm 30.10, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng kêu gọi phải coi xe chở quá tải là “giặc”. “Giặc” phá đường, hung thần đe dọa an toàn giao thông và nghiêm trọng hơn nó là “giặc” tàn phá kỷ cương, pháp luật về giao thông đường bộ.
Chỉ có điều không hiểu, với hệ thống thanh tra, cảnh sát giao thông nhiều cấp, dày đặc khắp các bến cảng, bến xe, các chặng chốt đường quốc lộ mà từng đoàn xe quá tải có thể đi “lông nhông” hết ngày này qua ngày khác. Nhìn hiện tượng, xe quá tải qua mặt mọi lực lượng chức năng, trạm cân thì “hỏng” vô thời hạn, lãnh đạo Bộ GTVT cũng phải đặt câu hỏi “liệu có tiêu cực không”, thì thử hỏi dân thường như chúng ta biết phải làm thế nào?
Có vẻ như, quyết tâm chống “giặc” quá tải không thiếu, nhưng vô tình hay cố ý, chỉ quá thiếu những thi hành trên thực tế. Còn nhớ, hồi tháng 3.2015, Bộ trưởng GTVT, tại một hội nghị công khai, từng cam kết làm đến cùng để chấm dứt tình trạng xe chở quá tải ngay trong năm 2015. Nhưng như đã thấy, cho đến hội nghị hôm 30.10, tình trạng vẫn không mấy thuyên giảm, thậm chí còn tinh vi, có tổ chức hơn.
Phải thừa nhận, Bộ GTVT rất tích cực đưa ra những sáng kiến để xử lý tình trạng xe quá tải, như tăng mức phạt, đề xuất chế tài bổ sung như thu hồi phù hiệu xe, thu hồi giấy phép kinh doanh, thậm chí là cả giải pháp tạm thời như “khóa bánh phương tiện”. Song thực tế mà nói, pháp luật hiện hành chả thiếu bất kỳ giải pháp nào để giải quyết tình trạng này; chỉ có điều cũng giống như trong hầu hết các lĩnh vực nóng khác, tính hiệu lực của các giải pháp không bao giờ có.
Bất kỳ là biện pháp chế tài gì, cũng đều đã và sẽ thất bại, nếu như nó hoàn toàn không gắn với trách nhiệm của chính quyền và những cá nhân cụ thể thực thi công vụ. Trong xử lý xe quá tải cũng vậy. Không cần phải hô quyết tâm, cũng không cần phải bổ sung quá nhiều chế tài, chỉ cần nếu phát hiện xe quá tải ở địa phương nào thì người đứng đầu cơ quan chức năng ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm hành chính, không loại trừ phải điều chuyển, cách chức nếu nghiêm trọng, thì bảo đảm tình trạng xe quá tải sẽ chấm dứt trong nay mai.
Mà để làm việc này cũng chẳng cần phải chờ sửa luật hay bổ sung nghị định, chỉ quan trọng người ta có muốn làm thực sự hay không mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.