Điện tử hóa, tiết kiệm tỉ 'đô'

30/11/2020 04:33 GMT+7

Từ ngày 23.11, hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử (MGH) sẽ chính thức được ngành hải quan triển khai trên toàn quốc.

Trước đó, theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 8 năm nay, đã có gần 787.562 doanh nghiệp (DN) tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,3% tổng số DN đang hoạt động. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức mà điều quan trọng nhất là giảm tối đa nhũng nhiễu, tham nhũng vặt do không tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên thuế, hải quan với DN.
Hơn 6 năm trước, thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đã gây rúng động và bất bình cho dư luận khi DN Việt Nam mất đến 872 giờ mỗi năm cho thủ tục thuế, hải quan; đứng gần "bét" bảng trong khu vực ASEAN. Thực ra điều này không xa lạ hay mới mẻ với cả người dân và cộng đồng DN đã từng ít nhiều thực hiện thủ tục liên quan đến 2 ngành này. Thế nhưng khi "chốt" ra một con số cụ thể, rồi so sánh với các quốc gia láng giềng, kèm theo các hệ lụy có thể nói là "khổng lồ" từ quy trình thủ tục “rùa” đó, nó mới thực sự phản ánh rõ nhất những thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu.
Tại thời điểm đó, theo nghiên cứu của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, nếu thời gian thông quan của Việt Nam cũng ngang mức trung bình của ASEAN, GDP sẽ cao hơn 14%. Cứ mỗi ngày cắt giảm, nền kinh tế và các DN tiết kiệm được 1,6 tỉ USD. Đó là lý do Thủ tướng ngay lúc đó đã yêu cầu giảm số giờ làm thủ tục thuế và hải quan từ 872 giờ mỗi năm xuống 300 giờ ngay năm 2014.
Nhưng cắt giảm, không có gì hiệu quả bằng "điện tử hóa" quy trình thủ tục ở mọi ngành nghề, lĩnh vực trong cuộc sống. Bên cạnh sức ép cải cách để phù hợp với thông lệ quốc tế, để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong hội nhập thì đại dịch Covid-19 cũng là một trong những sức ép giúp chúng ta đẩy nhanh quá trình này.
Đơn cử, đầu tháng 4 vừa rồi, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số... thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo Văn phòng Chính phủ, khi người dân, DN có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; nộp phạt giao thông hay đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động, chỉ riêng 3 dịch vụ này được tích hợp tại Cổng dịch vụ công quốc gia đã giúp cả nước mỗi năm tiết kiệm khoảng 2.000 tỉ đồng. Như vậy với hơn 1.000 dịch vụ công trực tuyến, cả nước sẽ tiết kiệm được một nguồn lực khổng lồ, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động từ cơ quan nhà nước đến DN, người dân thuận lợi hơn. Đặc biệt, thủ tục thuế - hải quan vốn là nỗi ám ảnh của người dân, DN... điện tử hóa không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc mà còn giúp giảm mạnh chi phí gầm bàn, làm méo mó môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Ngay với bản thân mỗi cá nhân, DN, nếu tận dụng tối đa việc áp dụng công nghệ trong công việc, cuộc sống từ hàng trăm dịch vụ dân sinh thiết yếu không chỉ giúp bản thân mà còn giúp các dịch vụ công ngày càng hoàn thiện, ngày càng thuận tiện hơn.
Đó chính là dư địa chính sách mà nhà nước có thể áp dụng rộng rãi, triệt để hơn nữa trong tất cả các dịch vụ hành chính công để hỗ trợ DN, người dân trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.