Di sản không phải để đánh bóng

29/11/2020 06:49 GMT+7

Nói đến di sản , là nói đến yếu tố quan trọng cấu thành bản sắc hay căn tính của một đô thị - hệ thống giá trị mà một đô thị sở hữu để phân biệt với các đô thị khác.

Với lịch sử có nhiều chuyển biến nên trong 127 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt tích hợp một kho tàng di sản đặc biệt. Việc nhìn nhận di sản Đà Lạt rất cần một nhãn quan cởi mở, khoa học khách quan để có thể thâu tóm đầy đủ tinh hoa mà nhiều thời kỳ lịch sử đã lưu dấu trên thành phố này. Đó không chỉ là các giá trị vật chất hữu hình (kiến trúc, cảnh quan nhân tạo...), khung cảnh thiên nhiên đặc thù được giữ gìn, bồi đắp qua nhiều giai đoạn mà còn cả một đời sống văn hóa thị dân thanh lịch, coi trọng sự hài hòa và hiểu biết.
Nhưng những giá trị làm nên bản sắc, sự cuốn hút đặc biệt của một thành phố đối với du khách trong quá khứ đã thất thoát theo thời gian. “Tôi có cảm giác như sự khác biệt của Đà Lạt đã phai nhạt dần. Có vẻ như những lợi ích kinh tế trước mắt đang làm mọi người quên mất Đà Lạt đang có sự khác biệt từ xưa, chứa đựng nhiều giá trị rất lớn. Những giá trị này mới là cốt lõi tạo ra giá trị lớn hơn rất nhiều trong tương lai”, phát biểu thẳng thắn ấy của GS-TSKH Đặng Hùng Võ trong hội thảo Đà Lạt - đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển vừa diễn ra ngày 27.11 (Thanh Niên đã đưa tin) đã nói thay cho suy nghĩ và tình cảm của nhiều người khi nhìn về Đà Lạt hôm nay.
Đó là điều mà chính quyền địa phương này cần phải suy nghĩ nhiều hơn.
Rừng cây xanh, những dấu chỉ để nhận biết Đà Lạt, đang trở nên hiếm hoi ở trung tâm thành phố; thay vào đó là những rừng bê tông cao tầng chen chúc. Đặc thù địa hình đồi dốc đã không còn khi các công trình mới đang chiếm lĩnh và làm “phẳng hóa” không gian. Nhà phố, công sở Đà Lạt được xây mới với những “tiêu chuẩn” không khác gì ở các thành phố đồng bằng. Di sản kiến trúc các thời kỳ từ Pháp thuộc đến giai đoạn 1954 - 1975 đã mất dần hình thái không gian đặc biệt. Nhiều công trình bị can thiệp trực tiếp, dễ dàng bị đập bỏ hoặc có nguy cơ xóa sổ vĩnh viễn bởi những bản quy hoạch “sặc mùi địa ốc”.
Đà Lạt - đô thị di sản” là nhóm “từ khóa” được chính quyền Đà Lạt, Lâm Đồng sử dụng với tần suất cao trong các bài phát biểu chính thức của quan chức địa phương này thời gian gần đây. Nhưng thật đáng tiếc, tinh thần ấy chưa nhất quán với thực tế tình trạng ứng xử với di sản đang diễn ra tại Đà Lạt.
Nói thêm, Đà Lạt thực ra có một may mắn: bởi là một đô thị độc đáo và quyến rũ, được nhiều người trân trọng, yêu thích, nên “nhất cử nhất động” diễn ra có nguy cơ làm thay đổi bản sắc Đà Lạt đều tạo nên sự quan tâm thấu đáo của xã hội. Chính điều này đặt chính quyền Đà Lạt vào tình thế phải hết sức cẩn trọng, cầu thị, thành tâm và hiểu biết; từ đó, biết phải làm gì để sửa cái sai đã qua và đưa ra chiến lược đúng đắn, xây dựng một tương lai vững bền cho đô thị này.
Tuyệt đối không nên mượn di sản như một thông điệp bóng bẩy có tính thời thượng để phủ đậy những kế hoạch duy kinh tế, biến Đà Lạt thành một thành phố mất bản sắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.