Đi bộ ở xứ mình khó thiệt !

31/08/2016 05:04 GMT+7

Một lần đi tham quan Bảo tàng Anh quốc ở thủ đô London, chiếc xe chở đoàn nhà báo chúng tôi dừng lại tại một quảng trường.

Từ đây, chúng tôi đi bộ khoảng nửa cây số để đến bảo tàng, người hướng dẫn bản địa luôn nhắc phải đi trên vỉa hè, không được bước xuống lòng đường.
Khi còn cách bảo tàng đâu chừng vài chục mét thì gặp một cái barie gắn bảng “STOP” chắn ngang dưới lòng đường vì người ta đang sửa chữa cống thoát nước. Ngay lúc đó có một anh chàng chạy mô tô phân khối lớn trờ tới. Sau vài giây bối rối, anh chàng nọ quay đầu chiếc mô tô, chạy vòng lại tìm đường khác mặc dù vỉa hè hai bên đường rộng thênh thang. Trong tình huống đó, nếu ở VN, chắc chắn nhiều người, theo quán tính, sẽ cho chiếc xe máy lướt lên vỉa hè để tránh cái barie rồi chạy tiếp.
Câu chuyện vừa kể nói lên một điều mang tính pháp lệnh trong lưu thông, đó là xe cộ, kể cả xe 2 bánh, không được phép chạy trên vỉa hè vì phần đường này dành riêng cho người đi bộ. Ngược lại, khách bộ hành chỉ được phép đi trên vỉa hè vì lòng đường là của xe cộ, do đó nếu bước xuống lòng đường mà đi một cách “hiên ngang” thì chẳng khác nào bước xuống… địa ngục, vì chắc chắn sẽ bị xe tông.

tin liên quan

Quá sợ người đi bộ!
Tại các đô thị lớn bây giờ có rất nhiều người đi bộ tiện ở đâu thì sang đường ở đó, bất kể gây phiền toái cho người khác, thậm chí thách thức các phương tiện giao thông, gây mất an toàn và như trêu ngươi pháp luật! 

Nói đến văn hóa giao thông xứ người, mới thấy chuyện đi đứng ở xứ mình bát nháo như thế nào. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã thấy le lói một vài dấu hiệu tích cực. Đại lộ Nguyễn Huệ ở TP.HCM và bổ sung nhiều tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm ở thủ đô Hà Nội đã dành riêng cho người đi bộ (từ 1.9.2016) là một cố gắng của chính quyền có nhiều ý nghĩa mang tính nhân văn. Trong đó bao hàm cả chuyện khuyến khích dân chúng nên đi bộ, một nỗ lực tác động tích cực đến giao thông công cộng và kể cả nhằm nâng cao sức khỏe người dân. Du khách nội địa và quốc tế đến Hà Nội giờ đây sẽ thêm không gian để thư giãn và mua sắm trong một phố thị “đất hẹp, người đông”. Rõ ràng đó là một thông tin tích cực. Tuy nhiên, phần còn lại của 2 thành phố này lại có câu chuyện khác.
Đi bộ có lợi cho sức khỏe, điều này ai cũng biết. Thế nhưng nhìn chung đi bộ ở những thành phố lớn như Hà Nội hoặc Sài Gòn chắc chắn sẽ… rất mệt. Tại sao? Vì cái vỉa hè ấy không còn là vỉa hè khi từ lâu nó đã biến thành bãi giữ xe máy và mặt bằng kinh doanh, đại loại như: sáng bán cháo lòng, trưa cơm, chiều bánh mì, tối nhậu nghêu sò ốc hến. Coi như “mua đứt” lề đường. Đó là chưa kể có rất nhiều tuyến phố ở TP.HCM nơi lấn vỉa hè, nơi không, khiến người đi bộ phải di chuyển theo kiểu “lên bờ, xuống ruộng” (lên vỉa hè, xuống lòng đường). Đi đứng kiểu này có thể trở thành quán tính của người Việt, thấy cũng bình thường thôi, nhưng lại tạo sự khó chịu cho rất nhiều người khác, nhất là du khách nước ngoài. Họ không quen đi đứng theo kiểu kỳ quặc như vậy được. Ở các nước phát triển, thỉnh thoảng chúng ta cũng bắt gặp người ta bày bàn ghế trước quán cà phê hoặc một sạp báo, một quầy hoa tươi... nhưng chẳng ảnh hưởng đến người đi bộ, vì vỉa hè vẫn còn đủ rộng. Một câu hỏi được đặt ra: Chẳng lẽ chúng ta “bó tay” trước tình cảnh khách bộ hành không có vỉa hè để đi?

tin liên quan

Hà Nội có 26 phố đi bộ
Từ 1.9, nhiều tuyến phố quanh hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ được tổ chức thành không gian đi bộ với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, wifi miễn phí...

Chưa kể do chính cách quy hoạch, quản lý chưa phù hợp thực tiễn, chẳng hạn cả khu vực phố Tây ở Q.1, từ đặc thù đến cung cách sinh hoạt đều rất nên trở thành phố đi bộ lại vẫn duy trì việc cho xe lưu thông khiến khu vực vừa lộn xộn vừa dễ gây ùn tắc, vừa gây nguy hiểm cho người đi bộ mà phần đông là du khách nước ngoài.
Vì ngán ngẩm chuyện không có lối dành cho người đi bộ, nên đừng trách vì sao hễ ra khỏi nhà là người ta leo lên xe máy. Di chuyển một đoạn chỉ vài trăm mét cũng chạy xe máy, góp phần tạo nên cảnh ùn tắc, kẹt xe như cơm bữa, rất mệt mỏi. “Giải phóng vỉa hè” một cách triệt để sẽ đụng chạm đến “nồi cơm” của rất nhiều người. Đó là một bài toán khó. Giải bài toán ấy cũng mang tính nhân văn tựa như quyết định cấm xe cộ để thành lập những tuyến đường chỉ dành riêng cho người đi bộ. Nhưng rất nên làm, cụ thể ở từng đoạn đường, tuyến phố, căn cứ trên thực tế để dành lối cho người đi bộ, chứ không phải là cách đồng loạt ra quân, giải tỏa trắng vỉa hè hay xua người buôn gánh bán bưng còn lơ cho nhà hàng, quán nhậu…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.