Dẹp “cò” không khó

13/12/2016 06:35 GMT+7

Sau loạt bài “Cò” khám chữa bệnh lộng hành trên Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng “cò” hoạt động trước và trong các bệnh viện tại TP.HCM ngày càng lộng hành, Sở Y tế TP đã lập đoàn thanh tra, kiểm tra, xử phạt nhiều bác sĩ hành nghề không phép, đề nghị UBND TP rút giấy phép có thời hạn đối với một số phòng khám hoạt động sai phạm, vượt quá phạm vi chuyên môn...

Ở các địa phương mà bài báo phản ánh, chính quyền cũng đã có những biện pháp quyết liệt để lập lại trật tự. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng, tình trạng “cò” khám chữa bệnh tại TP.HCM đã tồn tại từ rất lâu, và báo chí cũng phản ánh rất nhiều lần. Mỗi lần báo phản ánh, cơ quan chức năng đi kiểm tra, xử phạt, nhưng rồi sau đó đâu lại vào đó, “cò” khám chữa bệnh vẫn ngang nhiên hành nghề và ngày càng lộng hành hơn - xộc thẳng vào trong các bệnh viện (BV), cơ sở khám chữa bệnh để chèo kéo, dẫn người bệnh đưa ra các phòng khám bên ngoài.
Cái khó của các BV là, nếu “cò” hành nghề bên ngoài BV (mặc dù ngay trước cổng), thì BV “bó tay” không xử lý được, chỉ biết báo công an địa phương. Công an đến “cò” tan, công an đi “cò” xuất hiện. Cứ thế “cò” coi thường pháp luật, vẫn hành nghề, dụ dỗ, đưa người bệnh ra những phòng khám bên ngoài. Đáng lo ngại là các phòng khám “cò” đưa bệnh nhân ra không đảm bảo các điều kiện, người hành nghề không được cấp phép, vẽ vời nhiều chi phí, xét nghiệm để móc túi bệnh nhân, nhiều trường hợp người bệnh tiền mất, tật mang.
Thực tế tại TP.HCM, nạn “cò” khám chữa bệnh không chỉ tồn tại ở một vài BV mà bài báo nêu, bất kỳ ai đi ngang trước cổng các BV: Da liễu (đường Nguyễn Thông, Q.3), Ung bướu (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh), Từ Dũ (đường Cống Quỳnh)... cũng đều thấy “cò” công khai hoạt động, chèo kéo người bệnh.
Đã đến lúc, các đơn vị có trách nhiệm liên quan (BV, công an, chính quyền địa phương nơi BV đóng, thanh tra Sở Y tế) cần xem “cò” khám chữa bệnh là một vấn nạn, là yếu tố gây mất an ninh trật tự trên địa bàn của mình, làm “bẩn” môi trường BV, là việc phải giải quyết dứt điểm, để tăng cường, duy trì thường xuyên việc phối hợp, kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh đó, các BV cần tổ chức khâu khám chữa bệnh nhanh, giảm thời gian chờ đợi; bác sĩ, nhân viên y tế tiếp nhận người bệnh ân cần, niềm nở. Bởi, có nhiều người bệnh vì ngán ngẩm cảnh chờ đợi, ngại thái độ tiếp xúc của bác sĩ, nên dễ nghe theo lời “cò” dụ dỗ: “Ra phòng khám bên ngoài khám cho nhanh...”. Ngoài ra, “cò” sống được cũng là nhờ có sự tiếp tay của một số bác sĩ làm ở BV công nhưng có phòng khám tư bên ngoài, đã móc nối ăn chia với “cò” trên từng ca bệnh “cò” đưa đến.
Thực tế những động thái của các cơ quan chức năng sau loạt bài “Cò” khám chữa bệnh lộng hành cho thấy dẹp nạn “cò” câu kết với phòng khám chui, không đủ điều kiện là không khó. Vấn đề là các bên liên quan quyết tâm xử lý thường xuyên; bệnh nhân đề cao cảnh giác; không cả tin mà nuôi “cò” thêm nữa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.