Dẹp cho hiệu quả

17/11/2017 05:32 GMT+7

Chuyện một địa phương có tới hàng trăm ban chỉ đạo các loại, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, gây lãng phí tiền bạc và đặc biệt là lãng phí thời gian không tính đếm được như ở Hà Nội, TP.HCM, không phải là cá biệt.

Năm 2015, một bộ trưởng khi đó đã nói với tôi rằng, ông "giật mình" thấy mình "có chân" trong khoảng hơn chục ban chỉ đạo các loại. Và, "nếu họp đủ số giờ của tất cả các cuộc họp được mời, bình quân mỗi ngày tôi phải họp 27 giờ”.
200 ban chỉ đạo được lập ở TP.HCM, 108 ban đang tồn tại ở Hà Nội cũng nằm trong lối tư duy này. Các ban chỉ đạo được lập ra với thành viên là nhân sự của các cơ quan chuyên môn liên quan, nhưng đi kèm với đó là thường trực, là biên chế, là trụ sở, là chi phí hành chính.
Nhưng điều đáng nói là cơ chế làm việc của các ban chỉ đạo chưa từng được quy định trong bất kể văn bản hành chính nào. Hoạt động chủ yếu thông qua... họp. Họp xong rồi về, ngành nào vẫn làm công việc của mình mà chả ai quan tâm đến ban chỉ đạo.

tin liên quan

Xóa bớt ban chỉ đạo
Với ước tính chỉ 20/200 ban chỉ đạo hiện nay hoạt động hiệu quả, TP.HCM đang rốt ráo rà soát để xóa bỏ các ban chỉ đạo yếu kém, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.
Sau Hội nghị T.Ư 6, đã có bước tiến dài trong tư duy về cải cách bộ máy. Sự chuyển động từ các địa phương trong việc tuyên bố dẹp bỏ các ban chỉ đạo "không hiệu quả" là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng lại phải nói, việc xác định thế nào là "hiệu quả" và "không hiệu quả" cũng là vấn đề phải cảnh giác. Cần dứt khoát rằng, bản thân hoạt động của các ban chỉ đạo không được quy định trong các văn bản pháp quy, nó đã không có lý do để tồn tại. Chưa nói đến việc hoàn toàn không mang lại hiệu quả thực tế, ngoài tâm lý “mặt trận”.
Ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm ở các địa phương thực tế không thể làm tốt hơn công việc của cơ quan chức năng là Sở NN-PTNT và Sở Y tế, nhưng lại có tác dụng làm giảm trách nhiệm tham mưu, làm lãng phí tiền bạc và thời gian của lãnh đạo các cơ quan chuyên môn này.
Nhưng xem ra câu chuyện dọn dẹp các ban chỉ đạo ở các địa phương cũng chưa phải là đơn giản. Hà Nội lập đề án giảm từ 108 ban chỉ đạo hiện thời xuống còn 48, tuy nhiên nhiều sở ngành đang tha thiết “xin giữ nguyên”. Hoặc đầu mối thì có thể giảm cơ học, nhưng con người, biên chế thì chỉ chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác.
Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan có câu nói rất nổi tiếng: "Let's it die" (hãy để cho nó chết) chính là để nói về thái độ cần thiết khi “thanh lọc” bộ máy, và tư duy tạo ra sự cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ công của chính quyền. Thái độ này thật sự cần thiết cho chúng ta trong quá trình cải cách hành chính và tinh giản bộ máy. Hãy để cho sự cồng kềnh, chồng chéo trong bộ máy “chết đi”, đừng níu kéo chỉ vì lợi ích cục bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.