Để không 'hỗn mang'

29/09/2015 05:52 GMT+7

Sau khi mở cửa hội nhập, VN đã có bước phát triển ngoạn mục khi chỉ trong 10 năm (1996 - 2005), GDP bình quân của cả nước đã tăng gấp đôi.

Sau khi mở cửa hội nhập, VN đã có bước phát triển ngoạn mục khi chỉ trong 10 năm (1996 - 2005), GDP bình quân của cả nước đã tăng gấp đôi.

Sự phát triển nhanh của kinh tế - xã hội trong giai đoạn này đã kéo theo nhu cầu nguồn nhân lực tăng mạnh. Cũng trong giai đoạn 10 năm 2003 - 2013, nhiều con số có liên quan cũng tăng “gấp đôi” như số lượng các trường ĐH, CĐ; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 18 - 22 vào học các trường ĐH, CĐ; chỉ số sinh viên/vạn dân.
Sau thời kỳ phát triển nóng về số lượng, giáo dục ĐH đã bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém, nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng. Dư luận xã hội đã giật mình với con số sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm, bắt đầu lo lắng khi quy mô đào tạo ĐH cao hơn so với quy mô đào tạo CĐ, trung cấp, các doanh nghiệp kêu ca về tình trạng sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của nơi tuyển dụng...
Đứng trước vấn đề này, nhiều biện pháp điều chỉnh, chấn chỉnh đã được đưa ra. Chẳng hạn Chiến lược phát triển giáo dục ĐH đến năm 2020 đã hạ chỉ tiêu về chỉ số sinh viên/vạn dân giảm gần phân nửa, còn 256 thay vì 450. Việc thành lập mới hoặc nâng cấp các trường CĐ thành các trường ĐH được quy định nghiêm hơn. Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình hành động về đổi mới giáo dục ĐH giai đoạn 2010 - 2012. Chính phủ cũng đã ban hành chỉ thị nhằm đẩy mạnh hơn việc đổi mới quản lý. Nhưng tôi đánh giá hiệu quả đổi mới chưa đạt theo yêu cầu và cần thêm thời gian với những biện pháp quyết liệt hơn ở cấp chính phủ mới hy vọng có chuyển biến tích cực.
Vấn đề là ở chỗ với hệ thống hơn 400 trường ĐH, CĐ hiện nay, việc quản lý rất phân tán. Trên thực tế, Bộ chỉ quản lý trực tiếp (nhân sự và kinh phí hoạt động) khoảng 30% số trường. Các trường còn lại đặt dưới sự quản lý trực tiếp của các bộ, ngành, địa phương. Và Bộ chỉ quản lý chung về học thuật (chương trình đào tạo, mở ngành, bằng cấp...). Cần sắp xếp lại hệ thống một cách có chiến lược và theo quy hoạch, lộ trình, để các cơ sở giáo dục chịu tác động của quy hoạch phải có chiến lược hoạt động và chiến lược phát triển thích ứng, thậm chí giải thể trong trường hợp không đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng.
Trong việc này, Bộ GD-ĐT phải sớm có vai trò chủ đạo, nếu không thì một vài hiện tượng như: trường bị đình chỉ tuyển sinh kéo dài, “thâu tóm” các trường ĐH, CĐ (dù rằng cũng có một chút quy luật của kinh tế thị trường)... nhưng e rằng đến lúc nào đó lại không nâng cao chất lượng hệ thống mà lại gây thêm hỗn loạn.
Nghị định 73/2015 vừa được ban hành cách đây chưa đến 1 tháng của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chuẩn phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH trên thực tế là đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức xây dựng các hệ thống đảm bảo chất lượng và đánh giá, kiểm định các trường ĐH. Nếu triển khai thực hiện thành công với vai trò nòng cốt của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đặt tại 2 ĐH Quốc gia (Hà Nội, TP.HCM) và ĐH Đà Nẵng, hy vọng trong vòng 5 - 10 năm nữa bức tranh hệ thống giáo dục sau THPT của VN sẽ rõ nét hơn chứ không “hỗn mang” như hiện nay và khi đó chắc chắn việc thi và xét tuyển vào các trường và nói chung là sự phân luồng học sinh sau THPT sẽ diễn ra trật tự và êm thắm hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.