Để 'đấu nối', cần những gì?

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
19/06/2020 04:23 GMT+7

Thông tin cây cầu Cái Nai trong Khu kinh tế Năm Căn ở H.Năm Căn, Cà Mau đầu tư 170 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ xây xong nhưng do “chưa có giấy phép đấu nối” nên bị rào chắn tắc tị, không có lối thông khiến ai nghe qua cũng ngỡ ngàng.

Càng bất ngờ hơn, thông tin từ ông Phan Thành Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau, cho biết: “Trước khi làm đường, UBND tỉnh Cà Mau có công văn gửi Tổng cục Đường bộ và Bộ GTVT xin phép thỏa thuận đấu nối”. Làm đường tất sẽ có xây cầu, nhất là với miền Nam vốn đặc thù kênh rạch, huống chi ở Cà Mau, là tỉnh cuối cùng của phương Nam với kênh rạch chằng chịt, chưa kể theo ông Phương trước đó đã có “xin phép”. Thứ nữa, trong một dự án tổng thể để hoạch định cho một khu kinh tế, hẳn nhiên là phải có cầu và đường. Nhưng rốt cuộc, lại vì cái giấy phép đấu nối cho đường dẫn vào chân cầu bị… ách tắc, khiến cho người dân và đơn vị thi công phải khốn đốn, dư luận phải lên tiếng thì những câu chuyện “giấy phép lớn, giấy phép nhỏ” lâu nay vẫn thường nghe râm ran đây đó, chẳng phải đã được đẩy lên đến tận cùng rồi sao?
Viện dẫn Thông tư 50, Thông tư 35 của Bộ GTVT để triển khai Nghị định 11 của Chính phủ về kết cấu hạ tầng giao thông của đơn vị chuyên ngành về đường bộ, về lý thuyết có thể không sai, nhưng bất cứ một văn bản dưới luật nào, khi thực thi cũng phải tính sao cho phù hợp, đúng với bối cảnh sự việc đang diễn ra, nhất là với những dự án phát triển hạ tầng giao thông cần phải khai thông để phát triển kinh tế. Nếu cứ máy móc viện dẫn như vậy, rốt cuộc chẳng lẽ cây cầu Cái Nai cuối cùng lại không được đấu nối? Và nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ bỏ ra để xây cây cầu ấy chẳng lẽ lại vô cớ bỏ vào một công trình bị “đứng bánh” vì một cái giấy phép?
Câu chuyện này chẳng khác gì việc đi xin… một cái “quota” ở nhiều lĩnh vực để mọi chuyện trơn tru thông thoáng như hàng thập niên trước đây vẫn nghe nhắc đến. Khác một điều là bây giờ muốn thúc đẩy một dự án, một chương trình, nhất là ở các vùng miền cần sự trợ giúp từ ngân sách, dù đã có tiền, đã bắt tay vào đầu tư nhưng lại vướng đủ thứ thủ tục nhiêu khê, khiến cho mong muốn phát triển của từng địa phương bị chậm lại. Mỗi một dự án, chương trình nếu bị chậm lại như vậy, thì hình dung toàn cục sẽ như thế nào?
Viết đến đây, lại liên tưởng cũng trên số báo này, câu chuyện về một cây cầu cả chục tỉ đồng được xây xong ở Bình Định, nhưng dân lại không dám đi qua, vì những bất hợp lý của thiết kế. Sự tắc trách của việc xây cầu này là một câu chuyện khác của công tác thiết kế, thi công, nhưng có khác gì khi “cầu xây xong đã lâu” nhưng vì lý do này nọ lại không thể lưu thông. Bản chất của vấn đề suy cho cùng cũng chẳng khác nhau là mấy!
Một cái giấy phép để đấu nối, hẳn nhiên là cần phải có vì đủ thứ liên quan do các cơ quan chức năng nại ra. Nhưng “hành xử” với một cây cầu chỉ dựa trên một cái giấy phép đấu nối mà khiến cho mọi sự ách tắc, thì cần phải xem lại các thủ tục để phát hành cái giấy phép ấy!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.