Dễ dãi cấp phép đầu tư

25/06/2016 05:24 GMT+7

Dư luận đang hết sức lo ngại và bức xúc trước việc sông Hậu, dòng sông quan trọng ở ĐBSCL, đang đứng trước nguy cơ bị bức tử bởi dự án Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) sắp đi vào hoạt động.

Khả năng này hoàn toàn có thể trở thành sự thật, bởi dự án được cấp phép xả thải thẳng ra sông Hậu nhưng đến sát giờ chính thức đi vào vận hành, báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể (ĐTM) vẫn chưa có.
Chúng ta đều biết, công nghiệp sản xuất giấy là một trong những ngành gây ô nhiễm trầm trọng vì phải sử dụng rất nhiều hóa chất độc hại. Đáng lo ngại hơn, chủ đầu tư đã tự ý giảm công suất xử lý nước thải xuống thấp hơn 11 lần so thiết kế ban đầu, từ 220.000 m3/ngày đêm còn 20.000 m3/ngày đêm trong khi sản lượng, quy mô của nhà máy không đổi. Vậy số lượng nước thải không được xử lý còn lại sẽ đổ đi đâu nếu không xả thẳng ra sông Hậu và từ đó chảy ra biển? Nên nhớ, ĐBSCL chiếm hơn 70% diện tích thủy sản, 40% lượng nuôi trồng và hơn 60% lượng xuất khẩu của cả nước. Nếu bị ô nhiễm, những thiệt hại là vô cùng lớn.

Hệ quả của việc bức tử sông Hậu nói riêng và hệ quả của các dòng sông bị chết vì ô nhiễm, vì bị đầu độc được nói rất nhiều trong những năm qua, nhưng đáng lo ngại hơn là việc thẩm định cấp phép cũng như việc giám sát các dự án có khả năng bức tử các dòng sông lại hết sức lỏng lẻo. Nguyên nhân chính xuất phát từ cuộc chạy đua thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở nhiều tỉnh, thành. Vì chạy theo thành tích, chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP cao nên các địa phương đã dễ dãi chấp nhận cấp phép các dự án FDI gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, dự án bức tử dòng sông, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương, dự án khai thác tài nguyên giá rẻ... mà dự án Nhà máy giấy Lee & Man là minh chứng rõ ràng nhất.
Còn nhớ ngay từ năm 2007 khi Tập đoàn Lee & Man xin phép đầu tư vào Hậu Giang đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường. Thời điểm đó, VASEP đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ NN-PTNN đề nghị Bộ có ý kiến với Chính phủ và các bộ ngành liên quan về việc này. Sau đó, Cục Lâm nghiệp đã có công văn nêu rõ: Theo quyết định của Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy VN đến năm 2010, tầm nhìn 2020 cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại ĐBSCL. Thế nhưng bất chấp tất cả, dự án này vẫn được cấp phép. Đáng nói là cả một quá trình triển khai xây dựng sau đó, dự án gần như không được giám sát nên đã xảy ra hàng loạt các vi phạm gây bức xúc dư luận như nói trên.
Nghiên cứu mới đây của Trung tâm thiên nhiên con người (PanNature) cho thấy, 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5 - 12 lần. Đặc biệt, doanh nghiệp FDI chiếm 60% tổng số các doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn. Đó là chưa kể một loạt doanh nghiệp ngoại sử dụng công nghệ rác của Trung Quốc; nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn khủng hưởng ưu đãi nhưng trốn thuế, chuyển giá; không ít doanh nghiệp nợ nần, bỏ trốn... Đây là bài học lớn cho chúng ta trong việc xét duyệt và cấp phép đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.