Để bảo vệ chính mình

01/07/2014 02:51 GMT+7

Kể từ hôm nay 1.7, Nghị định 171 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chính thức có hiệu lực. Nổi cộm và được dư luận quan tâm nhất là chiếc mũ bảo hiểm. Các lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử phạt những ai chạy mô tô, xe máy, xe máy điện úp trên đầu chiếc mũ bảo hiểm dỏm, sử dụng không đúng quy cách.

>> Từ ngày 1.7, CSGT dừng xe phạt mũ bảo hiểm sai quy cách
>> Nhắc nhở, xử phạt người đội mũ bảo hiểm sai chuẩn
>> Đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, tại sao không?
>> Xử phạt người đội mũ bảo hiểm ‘kém chất lượng’!

Đây là việc làm vô cùng cần thiết trong tình hình tai nạn giao thông ngày càng khủng khiếp ở nước ta, trong bối cảnh người tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe máy ngày càng nhờn luật, vi phạm pháp luật như cơm bữa. Mặc cho các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng, báo chí truyền thông liên tiếp cảnh báo, nhắc nhở, tuyên truyền phải chấp hành nghiêm túc luật Giao thông đường bộ nhưng bộ phận không nhỏ dân chúng vẫn cứ ì ra thách thức pháp luật với thái độ vô cảm. Không thể kéo dài, tái diễn mãi tình trạng “vô chính phủ” như vậy. Khi sự tuyên truyền, giáo dục đã đến giới hạn đỏ thì bắt buộc phải chuyển sang biện pháp răn đe, xử lý quyết liệt. Có như thế mới mong giảm nhẹ, đẩy lùi tình trạng tai nạn giao thông chết người.

Lại nhớ năm 2001 Chính phủ ra văn bản 407/CP-CN chỉ đạo việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã có không ít ý kiến bàn ra tán vào, thậm chí phản đối. Lạ ở chỗ, một chính sách đúng đắn an sinh xã hội như thế mà vẫn vấp phải sự không đồng tình. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh quyết định đó hoàn toàn đúng đắn bởi nó phát huy ngay hiệu lực, giảm ngay những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả trầm trọng, bảo vệ sinh mạng con người. Một bộ phận dân chúng từ chỗ nghi ngờ, ngãng ra đã dần tự giác thực hiện mà không cần phải dùng biện pháp áp chế nào. Chỉ có điều trong quá trình thực thi pháp luật ấy đã có những phát sinh tiêu cực, kẽ hở, mà tình trạng sử dụng mũ bảo hiểm dỏm là ví dụ cụ thể.

Chiếc mũ (miền Nam quen gọi là nón) bảo hiểm, như tên gọi và chức năng của nó là để bảo vệ thân thể, tính mạng của người lưu thông bằng mô tô, xe máy, xe máy điện. Mũ bảo hiểm không cần cho chính phủ hay bất cứ đoàn thể, tổ chức nào, nó chỉ cần cho người chạy xe. Nại bất cứ lý do gì để tránh trớ việc đội mũ bảo hiểm chất lượng, hợp quy đều là tự hại chính mình. Không thể bao biện rằng làm sao phân biệt được mũ thật mũ giả, mũ tốt mũ dỏm. Bỏ 15.000 - 20.000 đồng ra mua chiếc mũ “bảo hiểm” được bán tràn lan vỉa hè thì thừa biết mũ đó có dỏm hay không. Chẳng qua là tự coi rẻ tính mạng mình và xem thường pháp luật mà thôi. Hãy tỉnh táo xác định: đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, đúng quy cách để bảo vệ chính mình chứ chả phải cho ai khác.

Phạt người cố tình đội mũ dỏm là điều không cần bàn cãi nữa. Chốt lại được rồi. Từ hôm nay. Chỉ đề nghị cơ quan chức năng để mắt ngay và xử lý kiên quyết những cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ dỏm đang tràn lan hiện nay. Muốn chặt được cái ngọn sai phạm của người đội mũ dỏm, trước hết cần triệt tận gốc những nơi ngang nhiên vi phạm pháp luật ấy. Có hết những chiếc mũ dỏm bày bán công khai thì mới hết được chiếc mũ dỏm úp chụp đối phó trên đầu.

Nguyễn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.