Để áo dài “bay” cao hơn

18/02/2017 06:36 GMT+7

Chưa bao giờ ở VN lại có một chương trình quảng bá chiếc áo dài rầm rộ như sẽ diễn ra trong tháng 3 tới, kéo dài 2 tuần tại TP.HCM.

Mục đích của chương trình này nhằm thu hút du khách đến với VN thông qua bộ quốc phục của phụ nữ Việt với đủ các loại hình trình diễn nghệ thuật và giao lưu. Chương trình diễn ra nhằm tôn vinh một giá trị văn hóa mà nhìn vào nó, cả thế giới sẽ biết tà áo ấy của ai.
Một trong những phần trình diễn dám chắc sẽ khiến nhiều người tò mò, thích thú trong Lễ hội Áo dài TP.HCM 2017 chính là những gian hàng đo/may áo dài tại chỗ, giao ngay cho du khách. Loại hình kinh doanh này cũng giống như khi bạn đến tham quan nhà thờ Thánh Tâm (Sacré Coeur) trên đồi Montmartre ở thủ đô Paris của nước Pháp, ngồi trên ghế cho họa sĩ đường phố vẽ chân dung của mình, xong giao bức tranh tại chỗ luôn, rất phấn khích.
Không phải đến bây giờ du khách nước ngoài mới đặt may áo dài, xem như một món quà lưu niệm, đem về nước mặc trong những sự kiện trang trọng, mà từ nhiều năm trước, họ đã làm điều này tại các tiệm thời trang có tiếng ở những thành phố du lịch. Xét về mặt quảng bá, lễ hội áo dài có thể sẽ đạt được mục tiêu thu hút du khách thập phương hội tụ về TP.HCM để thưởng lãm, đồng thời lưu lại những hình ảnh thơ mộng của những tiết mục trình diễn áo dài thướt tha, gợi cảm, xong đợi đúng 1 năm sau, nếu không có gì trục trặc, lễ hội mới tiếp diễn lần 2, lần 3... Nói đến đây chợt nhớ tà áo kimono của xứ phù tang.
Khi du lịch đến Nhật Bản, cụ thể là cố đô Kyoto, du khách sẽ được đưa đến khu trung tâm thời trang truyền thống để xem các cô gái Nhật trình diễn kimono, tham quan showroom và nếu thích thì mua các sản phẩm làm từ tơ lụa của họ. Điều khác biệt cơ bản giữa kimono và áo dài nằm ở độ phức tạp và giá cả. Mặc kimono mất cả tiếng đồng hồ với điều kiện phải có người trợ giúp, trong khi giá bán cao ngất ngưởng, lên đến vài trăm triệu đồng/bộ. So với kimono, áo dài lợi thế hơn nhiều: có thể may xong trong ngày mà giá thì khá dễ chịu: chỉ vài triệu đồng/bộ (trên dưới 100 USD). Cái lợi thứ hai là mặc áo dài đơn giản hơn nhiều, khỏi cần người trợ giúp. Từ lợi thế này và cũng nhằm cung ứng cho du khách những buổi trình diễn áo dài mang tính nghệ thuật thường xuyên hơn, nên chăng chúng ta cần phải tính đến chuyện thiết lập một vài trung tâm Duyên dáng áo dài, trước hết tại các địa bàn du lịch trọng điểm như: TP.HCM, Hà Nội, Huế, Hội An, Đà Lạt… vừa làm văn hóa, quảng bá hình ảnh vừa là hoạt động kinh tế nghiêm túc.
Phải thừa nhận Lễ hội Áo dài TP.HCM là một ý tưởng hay trong bối cảnh VN đang tập trung đẩy mạnh “ngành công nghiệp không khói” và cũng khá ý nhị khi chọn chiếc áo dài làm tiêu điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.