Đẩy lùi bạo lực

26/10/2015 06:23 GMT+7

Vụ nam thanh niên bị hai cô gái đâm chết sau khi va chạm giao thông tối 24.10 ở TP.HCM một lần nữa dấy lên lo ngại về tình trạng bạo lực, nhất là bạo lực ở giới trẻ.

Vụ nam thanh niên bị hai cô gái đâm chết sau khi va chạm giao thông tối 24.10 ở TP.HCM một lần nữa dấy lên lo ngại về tình trạng bạo lực, nhất là bạo lực ở giới trẻ.

Nói một lần nữa, bởi những ngày qua đã có rất nhiều vụ bạo lực dẫn đến hậu quả chết người, mà nguyên nhân có khi chỉ là do “nhìn đểu”, “đánh nhầm”, vợ chồng cãi nhau hay mâu thuẫn đồng nghiệp…
Nhiều ý kiến cho rằng bạo lực xã hội ngày càng lan rộng và tăng cả số lượng, địa điểm và thành phần. Trộm cướp hay phạm nhân dùng bạo lực còn hiểu được dù đã bị xã hội lên án và gần như nước nào cũng có. Thầy cô giáo, thầy thuốc mà cũng bạo lực chết người thì chí nguy và chỉ có ở VN. Đến vợ chồng và thanh niên, thậm chí con gái chân yếu tay mềm mà ra đường lận dao và chỉ cần mâu thuẫn nhỏ là sẵn sàng ra tay hạ thủ, rồi phi tang hoặc đánh bài chuồn. Khi lận dao ra đường, chắc phải có ý đồ. Khi không ai lại làm thế? Nếu không có hung khí, giận lắm, dùng tay chân cũng chỉ gây thương tích chứ khó làm chết người.
Dư luận xã hội bàng hoàng, bức xúc lên án. Hành động nào cũng có nguyên nhân và địa chỉ trách nhiệm cụ thể nhưng chưa thấy ai thừa nhận. Người đổ cho gia đình. Người khác bảo tại nhà trường. Kẻ đẩy cho xã hội. Lý do nào cũng đúng nhưng chưa đủ.
Thủ phạm đều đã trưởng thành, biết phân biệt phải - trái nên trước hết phải tự chịu trách nhiệm về chính mình. Không có lý do gì để biện minh cho hành vi càn quấy. Khắp nơi nhan nhản khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Nhưng Hiến pháp và pháp luật cụ thể như thế nào thì quá nhiều người ấp úng. Thậm chí nhiều người còn chưa thấy mặt Hiến pháp. Cũng chưa từng đọc văn bản pháp luật nào bao giờ. Nếu biết và nhớ, người bình thường sẽ không bao giờ dám hành xử như vậy. Phải chăng đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân bùng phát bạo lực?
Mối quan hệ gia đình - nhà trường (hoặc cơ quan, công ty) - xã hội phải là tam giác đều, có tác động qua lại, thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau để hình thành nhân cách cho trẻ, hoàn thiện đạo đức mỗi người. Đáng tiếc, hiện nay ai cũng muốn mình quan trọng hơn, cũng thích giáo dục toàn diện nên lắm lúc chồng chéo cả chức năng lẫn trách nhiệm, mâu thuẫn, triệt tiêu mục đích của nhau.
Trong khi nhà trường dạy căn cơ từ việc chào hỏi, xin lỗi, cám ơn, không cho trẻ dùng đồ chơi bạo lực, tôn trọng luật đi đường…; thì gia đình làm ngược lại. Vì chiều con nên du di mọi thứ. Từ việc xưng hô, thưa gửi, nhận lỗi đến việc vi phạm luật giao thông, mua sắm đồ chơi bạo lực cho trẻ. Xã hội thì phức tạp vì người lớn và nhà nước thiếu gương mẫu. Lắm kẻ tự cho mình đứng trên và ngoài pháp luật. Xử lý vi phạm máy móc, không công bằng, tạo cho người dân, nhất là lớp trẻ mất niềm tin vào cuộc sống.
Suy cho cùng, những bạo lực bột phát trong thời gian qua do cá nhân từng người và cả đám đông thiếu kiềm chế, ai cũng muốn hơn thiên hạ và thiếu hiểu biết pháp luật. Khi đã tìm ra nguyên nhân thì sẽ có cách khắc phục. Cái gì do con người làm ra thì con người cũng có thể xóa bỏ, sửa sai, khắc phục hậu quả. Mọi người phải tự nhìn lại mình, chung tay góp sức thì mới hiệu quả. Phải bắt đầu từ việc nhỏ là biết cám ơn, xin lỗi và chào hỏi nhau mọi nơi mọi lúc. Người Mỹ, người Anh ít gây sự với nhau vì cứ mở miệng là “Excuse me”, “I’m sorry”, “Thank you very much” (Xin lỗi, Tôi rất tiếc, Cám ơn rất nhiều)… Đến việc lớn hơn là phổ biến kiến thức luật pháp cụ thể từ trong mỗi gia đình, trường học và nơi làm việc.
“Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” không chỉ là khẩu hiệu suông mà phải là kim chỉ nam cho hành động của mỗi con người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.