Đầu sông, cuối sông

17/06/2015 06:10 GMT+7

Hình ảnh bông lục bình tím lãng mạn trôi trên dòng sông Nam bộ từ lâu đã đi vào thi ca, âm nhạc, như trong ca khúc Điệu buồn phương Nam , tôi từng viết Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi/Thương những đời như lục bình trôi để chia sẻ tâm tình đối với những bà con sống đời thương hồ. Thế nhưng, đó chỉ là thế giới của thi ca, âm nhạc.

Hình ảnh bông lục bình tím lãng mạn trôi trên dòng sông Nam bộ từ lâu đã đi vào thi ca, âm nhạc, như trong ca khúc Điệu buồn phương Nam, tôi từng viết Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi/Thương những đời như lục bình trôi để chia sẻ tâm tình đối với những bà con sống đời thương hồ. Thế nhưng, đó chỉ là thế giới của thi ca, âm nhạc. 

Còn trong đời thường, lục bình không còn là hình ảnh lãng mạn nữa khi chúng bít nghẹt những dòng sông; gây ra khó chịu, thậm chí là tai nạn cho những đời thương hồ.

TP.HCM không sản sinh một cụm lục bình nào cả nhưng lại ở vào cuối nguồn của những dòng sông nước ngọt như Đồng Nai (của Đồng Nai), sông Bé (của Bình Dương), Vàm Cỏ (của Tây Ninh và Long An) nên vô tình hứng trọn những nguồn lục bình dạt về. Nước chảy chậm, lục bình ùn ứ lại làm tắc nghẽn dòng chảy khiến thuyền bè không đi được. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi TP phải giao cho các quận huyện trực thuộc nhiệm vụ vớt lục bình, cắt lục bình, làm sạch lòng sông và khơi thông dòng chảy cho tàu bè qua lại, tránh những tai nạn đường sông và thiệt hại kinh tế đáng tiếc cho bà con. Mới đây, TP kêu gọi và đề nghị các tỉnh bạn cùng phân chia thủy vực để giải quyết tình trạng lục bình.
Mà không chỉ chịu có mỗi một “nạn” lục bình. Bởi ở cuối nguồn nên TP.HCM phải “gánh vác” nhiều chuyện cười ra nước mắt. Con kênh Ba Bò mang nước thải của các khu công nghiệp ở Bình Dương chảy về Q.Thủ Đức của TP làm ô nhiễm cho đời sống dân cư trên diện rộng. TP đã góp tay cùng Bình Dương cải tạo dòng kênh này nhưng xem ra tình hình ô nhiễm vẫn chưa thể dứt, đặc biệt đáng quan ngại trong mùa mưa.
Trong 10 triệu dân TP.HCM thì đã có gần 8 triệu người uống dòng nước cấp thủy được khai thác từ sông Đồng Nai. Gần đây, Đồng Nai cao hứng cho lấp bờ sông xây cao ốc với một báo cáo đánh giá tác động môi trường siêu tào lao làm nhân dân TP và nhân dân các tỉnh bạn lo sợ nguồn nước bị nhiễm bẩn.
Cùng sống chung trên lưu vực của những dòng sông, các địa phương phải ra sức bảo vệ dòng sông, bảo vệ sinh thái môi trường lưu vực. Việc chia sẻ trách nhiệm với nhau có ý nghĩa quyết định chất lượng sống của hàng chục triệu người, làm nên những miền đất văn hóa tươi đẹp. TP.HCM, Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai là những miền đất văn hóa tươi đẹp của phía nam. Có lẽ ai cũng thích bài thơ xưa Chàng ở đầu sông Tương/Thiếp ở cuối sông Tương/Nhớ nhau mà chẳng gặp/Uống chung nước một dòng (Quân tại Tương Giang đầu/Thiếp tại Tương Giang vĩ/Tương tư bất tương kiến/Cộng ẩm Tương Giang thủy). Tình yêu ngọt ngào như dòng nước mà hai người ở đầu sông, cuối sông cùng uống.
Xin hãy tích cực bảo vệ những dòng sông, chia sẻ với nhau trách nhiệm quản lý lưu vực để những dòng sông mãi mãi tươi đẹp, an toàn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.