Dấu 'mật' bị lạm dụng

28/04/2019 06:49 GMT+7

Nếu muốn bưng bít thông tin thì chỉ cần xác định đó là “bí mật công tác” hoặc “cuộc họp nội bộ”.

Không phải bây giờ, khi “phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố” được dự kiến đưa vào danh mục tài liệu mật mới khiến dư luận bức xúc, mà chuyện lạm dụng dấu “mật” đã được cảnh báo từ rất lâu, như một bằng chứng của sự bưng bít thông tin.
Đoàn giám sát năm 2017 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từng phát hiện dấu mật được đóng cả trên “danh sách vụ trưởng”, thậm chí trên cả giấy mời họp.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này. Nhưng có một thực tế là, ngay cả luật Tiếp cận thông tin cũng quy định về việc này một cách thiếu rõ ràng. Điều 6 luật này khi quy định về “thông tin công dân không được tiếp cận”, “mật” chứa nội hàm là thông tin “nếu công dân tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”. “Thông tin thuộc bí mật công tác”, “thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước” cũng được liệt kê trong danh mục này.
Đây là quy định rất dễ dẫn đến lạm dụng của các cơ quan nhà nước. Nếu muốn bưng bít thông tin thì chỉ cần xác định đó là “bí mật công tác” hoặc “cuộc họp nội bộ”. Trong khi lại không có quy định nào để minh định, chẳng hạn “phương án điều chỉnh giá điện chưa công bố” (nghĩa là đang họp nội bộ - PV) nếu người dân tiếp cận thì có gây nguy hại đến lợi ích nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia hay không. Một “cuộc họp nội bộ” chỉ được coi là “mật” khi lộ ra sẽ gây hại cho lợi ích nhà nước, an ninh quốc gia, trật tự xã hội.
Những quy định thiếu rõ ràng như vậy đang gây ra tình trạng phổ biến là lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc công khai những nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai theo quy định của pháp luật, nhất là kết luận thanh tra, công tác tổ chức cán bộ, công tác quy hoạch, lập dự án như chúng ta biết.
Việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân mà ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của bộ máy nhà nước, cụ thể là hạn chế hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng.
Công khai, minh bạch không chỉ là giá trị phổ quát của bất kỳ nền hành chính nào mà nó còn luôn mang lại những giá trị rất tốt đẹp cho xã hội. Nó được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp năm 2013 và quá trình xây dựng luật pháp, thực thi luật pháp và xây dựng thể chế kinh tế. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định rất mạch lạc về những việc phải công khai trong từng lĩnh vực quản lý.
Nhưng với não trạng bưng bít, sợ dân biết, sợ phản biện, thì không trách vẫn còn dấu mật được đóng ngạo nghễ trên những bản kê khai tài sản, trong các hồ sơ đầu tư công, mua bán công sản...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.