Dấu hiệu lừa đảo của nhà mạng

07/10/2016 05:00 GMT+7

Giả vờ mua bánh mì rồi giật bỏ chạy, Nguyễn Thành Tuấn và Ôn Thành Tân bị truy tố tội cướp giật tài sản và bị xử lý hình sự.

Tòa phúc thẩm sau đó đã tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho cả hai vì phạm tội khi chưa thành niên, giá trị tài sản không lớn, tính nguy hiểm không cao...
Bản án này đã từng gây rất nhiều tranh cãi về lý và tình nhưng trên tất cả, nó thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp.
Thế nên việc các nhà mạng công khai "móc túi" người tiêu dùng hàng nhiều tỉ USD mỗi năm, triền miên năm này qua năm khác mà không bị xử lý khiến dư luận muôn phần bức xúc.
Làm một khảo sát bỏ túi với nhóm nhỏ 10 người, cả 10 người đều than phiền việc bị trừ tiền vô tội vạ, vô căn cứ. Mở rộng cuộc khảo sát với 30 người, cả 30 người này sau khi sử dụng cú pháp kiểm tra qua tổng đài đã ngay lập tức gọi điện hủy các dịch vụ gia tăng có trong máy của mình mà mình không hề biết.
Nói như thế để thấy, hầu hết người sử dụng điện thoại hiện nay đều trở thành nạn nhân của các dịch vụ giá trị gia tăng từ nhà mạng. Điều đáng nói là dù muốn dù không, dù đã biết rồi hay chưa biết thì tất cả không tránh được việc bị móc tiền. Cứ hình dung thế này, bạn hủy hôm nay thì ngày mai lại có một dịch vụ trời ơi nào đó bỗng nhiên "nhảy" vào máy của bạn. Chẳng ai nói cho bạn biết, đó là dịch vụ phải trả tiền, cước phí là bao nhiêu nhưng nếu bạn vô tình nhấn vào chữ "ok" thì ngay lập tức tài khoản bị trừ tiền. Nếu bạn thờ ơ, không trả lời thì nghiễm nhiên bị coi như đã đồng ý, cũng mất tiền. Thậm chí nhiều trường hợp, bạn từ chối, cũng không thoát, tiền vẫn rời tài khoản như thường.
Theo luật Quảng cáo, "tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn và thư điện tử quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận". Chiếu quy định này, nhà mạng đã phạm luật khi tự ý đẩy các dịch vụ vào máy của khách hàng. Việc người dùng hoàn toàn không biết mà vẫn bị trừ tiền thì nhà cung cấp dịch vụ có dấu hiệu lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Vấn đề này có thể xử lý hình sự.
Dẫn các quy định này ra để thấy, sai phạm, vi phạm quá rõ ràng, kéo dài nhiều năm nhưng không hiểu vì lý do gì vẫn không được giải quyết. Không chỉ tự tay "móc túi" khách hàng của mình, các nhà mạng còn tiếp tay cho nhiều doanh nghiệp ngoại, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc tham gia cùng thông qua việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng di động qua các đầu số tin nhắn ngắn. Công ty Sam Media Limited (có trụ sở tại Hồng Kông) sau 3 năm đã thu được từ người dùng điện thoại số tiền gần 230,5 tỉ đồng mà người dùng không hề hay biết là minh chứng rõ ràng nhất và nhà mạng không thể vô can.
Có thể nói, không có lĩnh vực nào khách hàng bị đối xử tệ bạc và bất công như ở mảng viễn thông. Họ bị làm phiền bởi tin nhắn rác bất kể giờ giấc. Từ lúc họp hành, vui chơi cho đến khi chìm vào giấc ngủ. Họ bị đẩy vào máy rất nhiều các dịch vụ gia tăng và tài khoản bị xà xẻo vô tội vạ mà không hề hay biết. Họ bị móc túi năm này qua năm khác nhưng đành bất lực. Vừa mất tiền, vừa bị làm phiền, vừa mang ấm ức vào thân nhưng họ không có sự lựa chọn nào khác. Tình trạng "độc quyền nhóm" trên thị trường viễn thông và sự buông lỏng của cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực này chính là nguyên nhân khiến khách hàng trở thành con mồi béo bở cho các nhà mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.