Dẫn 'bão'

15/12/2018 06:58 GMT+7

Tôi theo dõi trận chung kết AFF Cup lượt đi đêm 11.12 giữa VN với Malaysia ở một thị xã nhỏ của Long An sát biên giới Campuchia. Và chẳng nghĩ là sẽ có “bão”.

Vậy mà “bão” đến tận 12 giờ đêm. Thị xã nhỏ bỗng ồn ào lên đáng kể bởi đoàn người chủ yếu là xe máy với cờ và áo màu đỏ sao vàng, với tiếng kèn tiếng trống rần rần diễu hành qua mấy con phố nhỏ ở trung tâm thị xã. May quá, có một xe CSGT đi trước dẫn đường, một xe CSGT chốt đuôi cho đoàn xe đi bão.
Ngăn cản một niềm vui chung như thế quả thật là điều gần như bất khả thi lúc đó. Cách hiệu quả hơn trong trường hợp này là điều hướng đoàn người đoàn xe cuồng nhiệt vào quỹ đạo phù hợp và giữ nó trong ngưỡng an toàn nhất có thể.
Giờ nghe thêm chuyện CSGT và lực lượng cơ động của Phú Quốc chủ động lập chốt kiểm soát những nút giao thông quan trọng, “nắn dòng” cho các đoàn “bão đêm” vào lộ trình được định hướng sẵn để hạn chế tối đa việc gây ra những điều đáng tiếc về tính mạng và tài sản của người dân.
Có ai đó dám nói trước điều gì đó sẽ xảy ra với những đoàn người trong cơn hưng phấn trào dâng của đám đông không? Chắc chắn là không. Trước đó, đêm 6.12, VN đá thắng Philippines để vào chung kết, tôi có việc ra sân bay Tân Sơn Nhất giờ khuya và lọt vào dòng người đi “bão” trên trục đường Phạm Văn Đồng rộng 60 m.
[VIDEO] An ninh được thắt chặt trước trận chung kết lượt về
Tắc nghẽn. Phải rất khó khăn mới đến được sân bay và thở phào nhẹ nhõm vì được an toàn. Không gì có thể nói trước được với một đám đông bị kích hoạt sự hưng phấn, kể cả khi đám đông đó đang hướng đến một điều tốt đẹp. Lúc tôi từ sân bay quay về, “bão đêm” trên đường Phạm Văn Đồng vẫn chưa tan. CSGT đã có mặt, mọi thứ đã đỡ hơn trước, nhưng tôi nhìn thấy trên phần đường dành cho xe ô tô cả chục xe máy nằm lăn lóc. Là tai nạn.
Không thể so sánh chuyện người dân đi “bão” ở những đô thị nhỏ như Phú Quốc với những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Nhưng cách tiếp cận của CSGT và lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự đô thị trong chuyện này đều có thể giống nhau.
Là lên phương án, là dự kiến tình huống, và quan trọng hơn, là hỗ trợ hiệu quả cho một đám đông ở thời điểm mà đám đông ấy bị kích hoạt cảm hứng tới mức có thể mất kiểm soát không rõ ai đang là “người dẫn đường”. Thậm chí là sự tham gia của các tổ chức xã hội, đoàn thể với sự chuẩn bị, tổ chức sao cho việc thể hiện sự phấn khích an toàn, thân thiện với môi trường như đi bộ, hò reo ở trên hè phố ở các ngã tư, phố đi bộ… hơn là cách lên xe máy chạy khắp phố phường…
Sự chủ động ấy của lực lượng chức năng có thể gọi tên thành “tinh thần trách nhiệm” trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.