Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao

20/12/2016 06:04 GMT+7

Từ chính sách, thủ tục hành chính cho đến vốn... là những “nút thắt” trói chân ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng đã được Thủ tướng Chính phủ giải quyết ngay tại hội nghị “Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp VN” vừa diễn ra tại TP.HCM.

Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho một Chính phủ hành động, kiến tạo, vì doanh nghiệp (DN), vì người dân như thông điệp của Thủ tướng.
Khẳng định sẽ sửa quy định làm khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất, nút thắt lớn nhất để ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, nâng sức cạnh tranh cho nông sản Việt; “quyết” luôn gói hỗ trợ trị giá 50.000 - 60.000 tỉ đồng tại hội nghị và yêu cầu 5 - 6 ngân hàng tham gia chứ không dồn vào một đầu mối để rồi lại nảy sinh tình trạng “cấp phát”; cam kết bất cứ ai đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng được ưu đãi... Những vướng mắc lớn, lưu cữu nhiều năm trời được giải quyết “rẹt rẹt” khiến những người tham dự... ngẩn ngơ.
Chưa hết, phần việc của bộ nào, ngành nào cũng được Thủ tướng giao đích danh. Điều này rất quan trọng bởi thực tế cho thấy rất nhiều vấn đề “trên thông” nhưng ở dưới lại không thoáng, lại trì trệ. Giờ đã có đầu mối, đơn vị nào chậm trễ hay cố tình gây khó trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng thì DN và người dân hoàn toàn có quyền phản ánh, thậm chí khiếu nại. Chỉ có thế, bộ máy mới thông suốt, công việc mới suôn sẻ, các vướng mắc mới được giải quyết để tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch. Từ đó giảm chi phí thời gian, chi phí cơ hội, chi phí vật chất cho người dân, DN.
Có thể nói Chính phủ hành động đang tạo nguồn cảm hứng để lôi kéo các “đại gia” từ mọi ngành nghề đổ vốn vào nông nghiệp. Từ “ông trùm” xe hơi Trường Hải, “vua thép” Hòa Phát, “ông lớn” bất động sản Vingroup… cho đến cánh chim đầu đàn về công nghệ thông tin FPT là những DN được đánh giá sẽ tạo nên sự thay đổi cả về chất và lượng cho ngành nông nghiệp nước nhà. Bởi họ có vốn, có công nghệ, có thương hiệu, uy tín... Họ kiểm soát được chất lượng sản phẩm mà người nông dân làm ra. Họ có điều kiện tiếp xúc đối tác, họ biết cách thức xúc tiến thương mại, định hướng được thị trường...
Như vậy, yếu tố “cần” đã có. Cái còn thiếu là yếu tố “đủ”. Đó chính là chính sách để tích tụ ruộng đất, các cơ chế đột phá về thủ tục, về tín dụng... và đặc biệt về sự ủng hộ của Chính phủ cho lĩnh vực thế mạnh của VN là nông nghiệp nhưng lâu nay bị đối xử không công bằng. Chúng ta đều biết sản xuất nông nghiệp mà làm cá thể, manh mún thì không thể áp dụng công nghệ, không thể chuyển đổi cơ cấu.
Chẳng thế mà bao lâu nay, Bộ NN-PTNT vẫn loay hoay chưa thể thực hiện được việc này. Vì vậy đây đó các DN tâm huyết với nông nghiệp vẫn phải “lách” cách nọ, cách kia để có cánh đồng lớn, để ứng dụng công nghệ, để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Nhưng cũng vì “lách”, họ khó thế chấp đất đai vào các nhà băng lấy vốn tái đầu tư vào nông nghiệp. Cũng vì tích tụ không hợp pháp, họ phải đối mặt với rủi ro chính sách ngoài các rủi ro đặc thù của ngành này... Nói như vậy để thấy, những quyết sách ngay tại hội nghị về đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính của Thủ tướng đã và sẽ là cú hích cho DN có vốn thì đổ vốn, có công nghệ thì ứng dụng công nghệ, có tâm huyết thì dồn tâm huyết vào nông nghiệp công nghệ cao.
Quyết tại hội nghị, ngoài việc “vướng đâu gỡ đó”, cái lớn nhất chính là tạo được niềm tin cho người dân và cú hích cho DN về một Chính phủ hành động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.