Công khai lợi ích nhóm

09/10/2012 03:20 GMT+7

Luôn bị coi là vấn đề nhạy cảm nên việc thừa nhận tồn tại "lợi ích nhóm" trong hệ thống ngân hàng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tại chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện được nhiều người quan tâm.

Luôn bị coi là vấn đề nhạy cảm nên việc thừa nhận tồn tại "lợi ích nhóm" trong hệ thống ngân hàng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tại chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện được nhiều người quan tâm.

>> Việt Nam không xin IMF cứu trợ để giải quyết nợ xấu
>> Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Tôi xin nhận trách nhiệm về nợ xấu”
>> Mua nợ xấu của ai?

Sự thừa nhận này đã tạo niềm tin cho người dân trước quyết tâm đấu tranh chống "lợi ích nhóm" và làm lành mạnh hệ thống NH của cơ quan này.

Trước đó, việc giao cho NHNN xây dựng và thực hiện đề án tái cấu trúc NH vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng, cơ quan này sẽ khó thẳng tay xử lý chính những "đứa con" mình. Nhưng thái độ thẳng thắn của Thống đốc khi nói về các "ung nhọt" trong các tổ chức tín dụng cho thấy, lợi thế của cơ quan chủ quản là biết rõ thực trạng căn bệnh của ngành mình. Khi đã biết rõ đâu là u lành, u ác, u nào đã di căn... thì sẽ biết cái nào còn có thể chữa trị, cái nào cần thiết phải cắt bỏ để làm lành mạnh "cơ thể" mỗi đơn vị.

Cụ thể theo người đứng đầu NHNN, hiện có những NH chỉ do một, hai cổ đông hoặc một nhóm cổ đông chi phối, dư nợ NH có đến 70 - 90% phục vụ cho nhóm cổ đông đó. Đây là một sự thật đáng sợ bởi chúng ta đều biết, vốn của NH là tiền gửi của dân. Tiền gửi của dân bị nhóm lợi ích sử dụng cho mục đích riêng, bất chấp tiêu chuẩn an toàn sẽ gây nguy hiểm cho toàn hệ thống. Điều đáng mừng là Thống đốc đã nhận diện rất rõ sự thao túng này và khẳng định quyết tâm đấu tranh, chống lại lợi ích nhóm. Đặc biệt, sự nhận diện này cũng sẽ giúp NHNN có cơ sở phân loại nợ xấu một cách minh bạch, rõ ràng. Từ đó sẽ biết, nợ xấu nào cần mua, nên mua để "thông vốn" cho nền kinh tế mà vẫn tránh được việc sử dụng tiền ngân sách mua nợ xấu "sân sau" của các NH thương mại cổ phần mà dư luận lo ngại lâu nay.

Có thể nói, thừa nhận vấn đề lợi ích nhóm trong chính ngành mình quản lý của Thống đốc NHNN là một sự dũng cảm và cũng là một "đòn" cân não của vị tư lệnh ngành tín dụng. Bởi chính Thống đốc cũng cho biết, "trong thời gian qua, có tin đồn này, tin đồn nọ gây hoang mang trong quần chúng". Nghĩa là việc thừa nhận sự thật về các nhóm lợi ích, rất có thể sẽ gây những hiệu ứng tiêu cực cho thị trường. Nhưng thực tế đã chứng minh, sự thẳng thắn, trung thực... luôn tạo ra các giá trị bất ngờ. Việc không né tránh, đi thẳng vào vấn đề bức xúc nhất, nhạy cảm nhất của người đứng đầu NHNN trên thực tế đã giải tỏa tâm lý và tạo niềm tin cho nhiều người về quyết tâm làm sạch hệ thống tín dụng đã được công bố trước đó. Bởi nguyên lý đơn giản là, không thừa nhận, thì không thể xử lý.

Đấu tranh chống lại các nhóm lợi ích trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là một quá trình gian nan, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm cao độ. Thống đốc cũng khẳng định, lợi ích nhóm là rào cản lớn nhất trong quá trình tái cấu trúc lại hệ thống NH. Nhưng với việc công khai "lợi ích nhóm" ra ánh sáng như nói trên, người dân đang kỳ vọng, NHNN sẽ quyết liệt trong việc xử lý các  nhóm lợi ích để chấm dứt những phí tổn cũng như bất ổn vĩ mô mà nhóm lợi ích gây ra. Đưa hệ thống NH trở về đúng vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế như mục tiêu của Chính phủ. 

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.