Công bằng cho người bệnh

29/10/2016 06:31 GMT+7

Lâu nay bệnh viện công ở các thành phố lớn luôn trong tình trạng quá tải, một giường bệnh “gánh” 2 - 3 bệnh nhân.

Nhiều nơi, người bệnh phải ra nằm hành lang vì phòng bệnh quá ngột ngạt, sợ lây nhiễm bệnh, đi khám thì phải chờ cả buổi mới được bác sĩ khám vài ba phút…
Khám dịch vụ, mổ dịch vụ, phòng, giường dịch vụ… mở ra ngay trong bệnh viện (BV) công để đáp ứng một bộ phận người bệnh khá giả, đồng thời cũng để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho cán bộ, nhân viên BV. Cũng từ đây nảy sinh nhiều vấn đề, hệ lụy mà thiệt thòi, bất công thuộc về số đông người bệnh.

tin liên quan

Giá khám bệnh dịch vụ không quá 200.000 đồng/lần
Trước những phản ánh của người bệnh về giá khám chữa bệnh dịch vụ tại các bệnh viện công không thống nhất, không tương xứng chất lượng..., Bộ Y tế khẳng định sẽ siết lại hoạt động này, nhằm “đảm bảo quyền lợi và công bằng cho người bệnh”.
Trong bối cảnh đó, thực tế không thể phê phán việc mở dịch vụ trong BV công, nhưng cái đáng lên tiếng và không thể chấp nhận được là việc nhiều BV công đã lạm dụng khám chữa bệnh “dịch vụ”, “theo yêu cầu”, chăm bẵm hướng bệnh nhân sang dịch vụ, đẩy người bệnh nghèo vào thế khó. Vì nguồn thu, mà nhiều BV có xu hướng “chăm nom” nhiều hơn cho khu dịch vụ - đầu tư, mở rộng, y, bác sĩ bên dịch vụ niềm nở, cởi mở…
Có lúc, tại BV công, các ca phẫu thuật không có nhiều bệnh nhân chờ, nhưng y, bác sĩ lại không rõ ràng, cứ nói với người bệnh kiểu gợi ý họ sang dịch vụ: “Nếu mổ dịch vụ thì mổ liền, còn mổ chương trình (mổ thường) thì chờ hơi lâu”. Nói như thế thì nhiều người dù nghèo cũng phải chạy tiền để mổ dịch vụ cho nhanh, vì sợ để lâu bệnh tình thêm nặng. Chưa nói, có trường hợp cấp cứu, theo quy định là mổ ngay như một hoạt động bình thường của BV, nhưng có nơi lại đưa người bệnh vào mổ dịch vụ. Có BV, trong giờ hành chính thì bác sĩ hội họp, sinh hoạt chuyên môn… đợi đến 16 giờ là đua nhau mổ dịch vụ liên tục.
Nhiều BV quá tải, không có chỗ cho bệnh nhân nằm mà lại dành diện tích mở phòng, giường dịch vụ quá nhiều. Do đầu tư nhiều tiền cho khu dịch vụ, nên các BV muốn tăng cường, hướng người bệnh sử dụng các loại dịch vụ nhằm mau thu hồi vốn, do vậy dễ dẫn đến lạm dụng dịch vụ.
Tất cả những điều đó đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (khám thường) và dịch vụ ngay trong cùng một BV công.
Nay Bộ Y tế “siết” lại giá khám dịch vụ, quy định tỷ lệ số giường dịch vụ trong BV công là một tín hiệu rất đáng mừng. Việc này phải làm và làm quyết liệt, đừng để phần “tư” chiếm trong BV công quá lớn; đừng để BV công lo cho người bệnh bảo hiểm y tế chưa xong mà chăm bẵm đầu tư cho dịch vụ.
Kể cả cần sớm ứng dụng công nghệ thông tin triệt để vào quản lý, để mọi quy trình khám chữa bệnh được minh bạch giúp người bệnh có đầy đủ cơ sở chọn lựa phẫu thuật bình thường hay dịch vụ theo khả năng, cũng như cơ quan quản lý có thể giám sát chặt chẽ vấn đề này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.