Côn Đảo

20/05/2008 00:40 GMT+7

Tôi trở lại Côn Đảo lần này với một sự rung cảm sâu xa: một hòn đảo nhỏ chỉ với tổng diện tích khoảng 7.600 ha và cho tới bây giờ mới chỉ có 6.000 dân mà trong suốt 113 năm cái chế độ thực dân đã biến Côn Sơn thành một nhà tù tàn bạo có một không hai trên thế giới này.

Những khuôn mặt lớn trong suốt thế kỷ 20 của Việt Nam đều có mặt trong các phòng biệt giam của đảo Côn Sơn. Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh, Ngô Đức Kế, Trần Huy Liệu, Tiểu La Nguyễn Thành đến Võ Thị Sáu, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh đến Lê Văn Việt, một tử tù cộng sản nổi tiếng mà hằng ngày tôi đi lại trên đường mang tên ông ở quận 9, TP.HCM mà tôi vẫn chưa biết ông là ai, cho đến khi ra Côn Đảo lần này.

Sự vô tình của cuộc đời với hàng núi công việc từ việc công cho đến việc mưu sinh hằng ngày đã làm xao lãng mọi sự và hãy coi chừng sự vô cảm.

Tôi đứng hàng giờ dưới nghĩa trang Hàng Dương, không làm sao thắp hết được những nén hương cho gần 2.000 ngôi mộ vô danh, khuyết danh và hữu danh. Chúng tôi bèn mua gạo và muối rắc trên khắp các ngôi mộ. Gạo và muối cho các anh, các chị trong những ngày đói khát trong lao tù tối đen và tra tấn không mong có ngày tự do.

Tôi nhớ Trần Văn Long, Trần Tuấn Kiệt, Tòng, Trí, Cao Nguyên Lợi... những người tù trong phong trào sinh viên học sinh, bị giam và đày đọa ở trại 1, sau đó bị sức ép của phong trào nhân dân ở Sài Gòn, các anh được trả tự do và vẽ sơ đồ tố cáo cái nhà ngục ác nghiệt, ghê rợn đó với thế giới.

Với lại, lúc đó Don Luce, một nhà báo tiến bộ người Mỹ cùng các dân biểu tiến bộ của Mỹ là Tom Harkin ra Côn Đảo "khui" vụ chuồng cọp Côn Đảo làm chấn động lương tâm nước Mỹ và cả thế giới.

Tôi nhớ lúc đó linh mục Phạm Gia Thụy, người được giáo hội công giáo giao việc chăm coi xứ đạo ở Côn Sơn ngày ấy là người rất tích cực ủng hộ đòi cải thiện chế độ lao tù và giúp đỡ nhiều anh chị em tù Côn Đảo.

Tôi nhớ những tên tuổi như ông Lê Câu, Võ Thị Thắng, Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư. Ông Lê Câu, thượng tá quân báo, sau này về sống một cuộc sống dân thường ở Thủ Đức và với cuộc sống của một người cựu tù cộng sản được tôi luyện ở Côn Đảo trong suốt gần 20 năm trời, dân ở địa phương thương mến ông và mới đây khi ông chết, dân đã tự nguyện đặt tên ông cho một con đường đất đỏ trong xóm.

Tôi nhớ đến người tù Nguyễn Tài (con của nhà văn Nguyễn Công Hoan) tức ông Tư Trọng, nguyên Trưởng ban an ninh Sài Gòn Gia Định, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) như một tấm gương cho đám tù chính trị chúng tôi thời bấy giờ, tuy ông không bị đưa ra Côn Đảo. Sau khi đất nước thống nhất, tôi nghe nói ông vẫn bị long đong nhiều về chuyện quá khứ tù đày cho đến khi ông được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói rằng ông Tài là một người kiên cường bậc nhất trong nhà tù và cả khi sau này hòa bình thống nhất mà ông bị hàm oan.

Tôi nhớ tới Đoàn Ngọc Nam, người bạn tù của tôi đã ở lại với đất Côn Đảo sau 30.4.1975, nhớ tới Tịnh, Hải, Quí, Hoàng, Quảng, Thái... tù ở đảo cả một quãng thanh xuân nhất đời mình.

Trở lại Côn Đảo lần này, tôi nhớ lại tất cả những người yêu nước, những bè bạn của tôi đã được về đất liền sau 30.4.1975 hoặc còn nằm lại trong nghĩa trang Hàng Dương, hoặc ở đâu đó trên Côn Đảo chơ vơ không tìm ra hài cốt. Cùng với Ngân hàng Công thương Việt Nam, chúng tôi dự định xây ở đó một tháp chuông cho nghĩa trang Hàng Dương, xây dựng một nhà tưởng niệm, cấp một số học bổng cho con em người dân Côn Đảo và những anh em tù chính trị...

Những việc đó, không phải có gì to tát lắm. Tôi nghĩ nó chỉ là một nghĩa cử, một sự nhớ ơn và sự tự vấn của những người may mắn còn sống sau cuộc chiến tranh dài với nhiều mất mát.

Với vị trí đặc biệt của mình: Hòn đảo ngọc xinh đẹp với một quá khứ oanh liệt, biểu trưng cho tinh thần và ý chí của một dân tộc không ngại bất cứ một trở lực nào để vươn lên, giữ gìn nền độc lập và phẩm giá của mình bằng mọi nỗ lực, kể cả hàng chục nghìn người chịu cuộc sống lao tù hàng chục năm trời dưới những trại cấm cố bất nhân nhất trong lịch sử nhân loại.

Quyền sống, quyền làm người, tự do và phẩm giá con người và của cả dân tộc. Đó là tâm niệm, là ước nguyện nghìn đời của tất cả những người tù Côn Đảo - những người còn sống và cả những người đã nằm xuống. Tôi nghĩ điều đó là chân lý không thể nào khác được.

Nguyễn Công Khế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.