Coi thường luật pháp

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/01/2021 04:27 GMT+7

Đọc thông tin về vụ việc Trần Thị Ngọc Nữ (ở P.Mũi Né, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ) bao chiếm đất công mà trong suốt 2 tháng, chính quyền thành phố “bất lực”, không thể gửi thông báo sẽ đến kiểm tra hành chính đối với lô đất đã bị lấn chiếm trái phép cho bà Nữ, khiến nhiều người cảm thấy rất... khó tin.

Trong suốt 2 tháng qua, Công an P.Mũi Né đã 3 lần tống đạt thông báo sẽ đến (lô đất bị chiếm trái phép) để kê khai, xử lý vi phạm hành chính, nhưng vợ chồng bà Nữ từ chối, không nhận thông báo tống đạt. Tới mức, Chủ tịch UBND P.Mũi Né không biết làm cách nào, đành phải niêm yết việc công khai kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại trụ sở UBND P.Mũi Né và KP.Long Sơn (nơi bà Nữ cư trú).
Rồi tới hôm 5.1 vừa qua, đoàn kiểm tra tổng cộng có 15 người, do Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết làm trưởng đoàn; Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Phan Thiết làm phó đoàn, tới nhà bà Nữ vào lúc 8 giờ, nhưng căn nhà này đóng cửa. Vợ chồng bà Nữ tiếp tục tỏ thái độ bất hợp tác với chính quyền.
Thái độ không hợp tác của bà Trần Thị Ngọc Nữ rõ ràng là sự coi thường pháp luật, coi thường chính quyền đến khó tin. Bởi lẽ, dù bà Nữ không lấn chiếm đất công, hay sử dụng đất sai mục đích như biên bản kiểm tra của chính quyền TP.Phan Thiết đã nêu, thì bà Nữ đã từ chối làm việc, đối thoại để bảo vệ lợi ích của mình. Còn nếu như bà Nữ sai phạm đúng như chính quyền nêu, thì thái độ bất hợp tác với chính quyền càng thể hiện sự coi thường pháp luật của bà này.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, bà Trần Thị Ngọc Nữ bất hợp tác với chính quyền. Năm 2018, bà Nữ cùng chồng đã tới trụ sở TAND gây rối khi đòi gặp thẩm phán và Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận nhưng không được đáp ứng. Sau khi bị khởi tố, bà Nữ đã nộp hồ sơ bệnh án tâm thần để được miễn trách nhiệm hình sự trong vụ án nói trên.
Thái độ và cách hành xử của bà Nữ khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu có phải một “thế lực” hay “quan hệ” nào đó chống lưng cho bà này, nên mới có thái độ bất chấp pháp luật, coi thường chính quyền đến vậy? Và đó có phải là lý do khiến ngay cả chính quyền TP.Phan Thiết cũng xử lý vụ việc của bà Nữ một cách quá “thận trọng” hay không, khi với một sai phạm đã rõ như vậy, chính quyền có thể cưỡng chế từ lâu?
Thượng tôn pháp luật là điều cả xã hội đang hướng đến. Nhưng thượng tôn pháp luật không phải chỉ là chúng ta có đầy đủ các đạo luật, mà ở việc thực thi pháp luật một cách nghiêm túc, vô tư, không thiên vị, không có ngoại lệ. Đối với người dân, thượng tôn pháp luật là việc hiểu và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã được ban hành để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời không xâm hại quyền lợi của người khác.
Sẽ không thể xây dựng một nhà nước pháp quyền, một xã hội thượng tôn pháp luật nếu như người dân nào cũng có hành xử bất chấp pháp luật như trường hợp của bà Trần Thị Ngọc Nữ; cũng như việc chính quyền địa phương loay hoay trước thái độ, hành vi bất chấp pháp luật của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.