Cố tình vi phạm

31/08/2015 05:23 GMT+7

Có thể những dòng thông tin trong bản tin trên Báo Thanh Niên sẽ bị lướt qua, bị quên nhanh, nhưng điều đọng lại thì thật chua chát, khó chịu. Đó là tin về việc có những người cố tình phóng xe vào phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) dù bảng cấm đề rất rõ ràng “Cấm tất cả phương tiện lưu thông vào quảng trường”.

Có thể những dòng thông tin trong bản tin trên Báo Thanh Niên sẽ bị lướt qua, bị quên nhanh, nhưng điều đọng lại thì thật chua chát, khó chịu. Đó là tin về việc có những người cố tình phóng xe vào phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) dù bảng cấm đề rất rõ ràng “Cấm tất cả phương tiện lưu thông vào quảng trường”.

Điều rất đáng nói, nhiều người vi phạm khi được nhắc nhở, không những không sửa chữa, phục thiện mà còn tỏ thái độ, hành vi thiếu văn hóa, chửi lại hoặc thậm chí dọa nạt nhân viên công quyền. Tất cả đều là người lớn, biết mà vẫn cố tình vi phạm.
Đó là một thực trạng dễ thấy trong cuộc sống hằng ngày ở nước ta. Nó là mặt trái của xã hội, thỉnh thoảng lại nảy nòi, phô bày khiến bộ mặt cuộc sống trở nên nhem nhuốc. Chúng ta đang phấn đấu, mỗi người góp một chút vào việc xây dựng xã hội văn minh, có văn hóa, kỷ cương, pháp luật. Cả triệu người ráng sức từng giờ từng phút nhưng chỉ cần một vài người vô pháp luật, vô văn hóa là đã có thể làm hỏng thành quả chung.
Chúng ta hay nói đến vai trò của người lớn trong việc giáo dục nhân cách cho lớp trẻ. Thuận lý thì người lớn đương nhiên phải làm gương, là tấm gương cho bọn trẻ noi theo. Tuy nhiên có không ít trường hợp ngược lại. Phần đông trẻ em được nhà trường giáo dục, thầy cô nhắc nhở, Đoàn - Đội rèn giũa và những phụ huynh nghiêm túc dạy bảo nên rất có ý thức cộng đồng. Chẳng hạn ăn một cái kẹo cũng phải tìm thùng rác để bỏ giấy kẹo, ăn nói luôn xưng hô lễ phép, văn hóa. Trong khi ấy, người ta rất dễ tìm ra “gương xấu” của người lớn: hút thuốc nơi công cộng; xả mẩu thuốc lá, rác thải, vỏ trái cây, nhổ nước miếng bất cứ chỗ nào; gặp đèn đỏ mắt trước mắt sau không thấy CSGT là vọt qua luôn, câu cá trên kênh rạch ngay biển cấm... Rất nhiều người trong họ không phải không biết quy định về nếp sống văn hóa, mà cái chính là họ coi thường, xem thường pháp luật và cộng đồng.
Một người bạn tôi kể rằng người Việt ta sang Singapore du lịch, biết luật pháp nước sở tại cực nghiêm nên không dám hó hé, bao nhiêu thói xấu dẹp hết. Nhưng cứ vừa về đến Tân Sơn Nhất hoặc Nội Bài là lại hiện nguyên hình, nếp văn hóa văn minh biến đâu mất sạch.
Thế thì, với những người như vậy, những đương sự cố tình chạy xe vào phố đi bộ Nguyễn Huệ bất chấp quy định, vừa gây nguy hiểm cho người khác, vừa làm nhếch nhác cảnh quan như đã nêu ở trên, có lẽ chúng ta phải tạo cho họ cách hiểu như họ đang ở Singapore chứ không phải chốn họ lâu nay tùy tiện hành xử theo cá nhân mình. Muốn vậy, ngay cả các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ cũng phải nghiêm túc và quyết liệt xử lý đến nơi đến chốn để nêu gương, chứ không chỉ xuê xoa nhắc nhở, rồi tiếp tục tặc lưỡi bỏ qua!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.