Có súng cũng như không

08/03/2016 06:33 GMT+7

Bây giờ, người dân đã quá quen với cụm từ “lâm tặc tấn công kiểm lâm” rồi. Hầu như ngày nào cũng xảy ra một vài vụ lâm tặc “đánh” kiểm lâm. Mà vụ “đánh” nào, lực lượng kiểm lâm cũng đổ máu cả.

Bây giờ, người dân đã quá quen với cụm từ “lâm tặc tấn công kiểm lâm” rồi. Hầu như ngày nào cũng xảy ra một vài vụ lâm tặc “đánh” kiểm lâm. Mà vụ “đánh” nào, lực lượng kiểm lâm cũng đổ máu cả.

Một “kịch bản” quen thuộc: kiểm lâm phát hiện vụ phá rừng hoặc chở gỗ lậu, lâm tặc bỏ chạy, kiểm lâm tịch thu tang vật. Sau đó là cuộc giành giật số gỗ bị tịch thu. Cuối cùng thì lâm tặc thắng! Mới đây, chỉ vì bị tịch thu 9 bao than mà nhóm lâm tặc ở H. Bác Ái (Ninh Thuận) đã dùng rựa tấn công làm 5 nhân viên bảo vệ rừng tại đây phải nhập viện. Còn ở Thừa Thiên-Huế, chỉ tính từ tháng 11.2005 đến nay, riêng tại Vườn quốc gia Bạch Mã của tỉnh này, đã có gần 20 vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm. Hầu như vụ nào bọn lâm tặc cũng rượt đuổi lực lượng kiểm lâm chạy; nghiêm trọng hơn, có vụ chúng bắt trói nhân viên kiểm lâm rồi treo lên cây rừng, dùng vật nhọn đâm vào người, dùng dao rạch mặt nhân viên kiểm lâm, như vụ xảy ra vào đêm 15.9.2014 tại tiểu khu 56 thuộc Vườn quốc gia Bạch Mã. Từ chỗ giữ vai trò “thế mạnh” trong thực thi nhiệm vụ, dần dần lực lượng kiểm lâm trở thành nạn nhân trong các cuộc truy bắt lâm tặc để bảo vệ rừng, dù họ được trang bị súng. Vì sao có chuyện vô lý này?
“Được trang bị vũ khí để bảo vệ rừng nhưng chủ yếu là để “dọa” lâm tặc chứ không dám bắn. Nếu có bắn cũng chỉ bắn lên trời. Chúng tôi có súng mà cũng như không”. Hỏi bất cứ một kiểm lâm viên nào hiện nay về việc sử dụng súng khi bị lâm tặc tấn công, họ cũng đều nói những lời như vậy. Đó cũng chính là lý do để lâm tặc ngày càng lộng hành. Hơn nữa, việc xét xử những kẻ phá rừng, chống người thi hành công vụ, mức án dành cho các bị cáo còn quá nhẹ. Có bị cáo chỉ nhận mức án tù treo như vụ phá rừng được đưa ra xét xử vào tháng 9.2015 của TAND H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) thì việc “nhờn thuốc” của đám lâm tặc là điều dĩ nhiên.
Sở dĩ không dám nổ súng, hoặc chỉ dám bắn lên trời, một phần là do “Trong quy định hiện hành, ranh giới giữa trường hợp được phép, không được phép nổ súng chưa rõ ràng. Dẫn tới anh em được giao súng nhưng không dám bắn”, như lời ông Trương Tất Bạt, Trưởng phòng Tuyên truyền phát triển lực lượng (Cục Kiểm lâm), đã từng trả lời báo chí. Thực tế là trong những năm qua, không phải lúc nào lực lượng kiểm lâm cũng “thu mình chịu trận” mà cũng đã có lần nổ súng vào lâm tặc khi bị chúng hành hung. Như vụ Ngô Nhật Thành, kiểm lâm viên thuộc Vườn quốc gia YoK Đôn (Đắk Lắk) đã bắn chết Đinh Văn Bằng khi người này dùng rựa tấn công lực lượng kiểm lâm vào tháng 4.2010. Tuy nhiên, dù là “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, song Ngô Nhật Thành cũng bị khởi tố. Sau đó tòa hủy án, song từ đó đến nay, mặc dù liên tục bị lâm tặc hành hung nhưng lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Yok Đôn vẫn “im tiếng súng”. Hay như vụ kiểm lâm Tánh Linh (Bình Thuận) nổ súng truy bắt số người săn động vật hoang dã nhưng cũng bị kiểm điểm. Ranh giới giữa việc khi nào thì nổ súng, lúc nào thì không được phép, luôn luôn “làm khó” người được trang bị vũ khí. Hơn 10 năm qua, cả nước đã có trên 10 cán bộ kiểm lâm bị lâm tặc sát hại, một phần cũng do “tự kiềm chế nổ súng” này.
Đã đến lúc, các cơ quan soạn thảo về luật cũng nên “bật đèn xanh” một cách cụ thể để lực lượng kiểm lâm có cơ sở mà thực thi nhiệm vụ, trước tiên là để bảo vệ rừng nhưng cũng chính là để bảo vệ bản thân họ. Còn những ai lạm dụng việc nổ súng gây hậu quả thì cứ theo luật mà xử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.