Có sai phạm, rồi sao nữa?

31/03/2017 06:06 GMT+7

Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa vừa thông báo kết quả thanh tra việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng tỉnh này (2010 - 2015) đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, người từng được đề bạt bất thường làm Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản.
Liên quan đến "quan lộ thần tốc” của bà Quỳnh Anh, Báo Thanh Niên đã có loạt bài viết phản ảnh những sai phạm có liên quan; ngoài ra, còn đặt nghi vấn chung quanh khối tài sản không bình thường của bà Quỳnh Anh trong thời gian làm công chức, từ 2013 cho đến khi nghỉ việc.
Những thông tin mà báo nêu về những sai phạm trong việc bổ nhiệm bà Quỳnh Anh đã được tỉnh thừa nhận; cụ thể là không đúng quy định khi bà này chưa đủ các tiêu chuẩn cần thiết để trở thành công chức lãnh đạo. Mặt khác, như Báo Thanh Niên đã phân tích, trong năm 2014 việc bổ sung quy hoạch bà Quỳnh Anh vào chức vụ Phó giám đốc Sở Xây dựng giai đoạn 2015 - 2020 đã bộc lộ nhiều thiếu sót, tạo dư luận không hay.
Tỉnh Thanh Hóa khẳng định sẽ xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có sai sót trong vụ “bổ nhiệm thần tốc” này; dư luận tin tưởng quá trình kiểm điểm tiếp theo sẽ được tiến hành kiên quyết và rốt ráo tại một số sở, ban, ngành chức năng. Trong đó, trách nhiệm chính thuộc về tập thể lãnh đạo và Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa (giai đoạn 2010 - 2015) - nay đang đảm nhận trọng trách khác tại UBND tỉnh. Ngày 29.3.2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tập thể và cá nhân lãnh đạo và cán bộ Sở Xây dựng theo kết luận của Thanh tra tỉnh; sẽ kiến nghị hình thức kỷ luật nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật nhà nước.
Việc kiểm điểm tiếp theo của tập thể, cá nhân và mức độ xử lý vi phạm chắc chắn sẽ nghiêm minh khi làm rõ được động cơ, mục đích của việc bổ nhiệm bất thường; là do không biết các quy định, hay do biết quy định mà không thực hiện, vì sao không biết hoặc không thực hiện. Mặt khác, cũng cần thiết việc làm rõ vì sao một đảng viên man khai lý lịch (khi sống sờ sờ tại địa phương), không kê khai tài sản cá nhân theo quy định lại có thể tham gia cấp ủy Đảng của Sở Xây dựng Thanh Hóa và được quy hoạch vị trí lãnh đạo ngày càng cao.
Đảng viên Trần Vũ Quỳnh Anh chẳng thể đứng ngoài cuộc kiểu “an toàn hạ cánh” sau khi xin nghỉ việc. Bà cần phải trực tiếp giải trình với cơ quan chức năng về hành vi che giấu nhân thân và tài sản của mình trong hồ sơ Đảng tịch, và vì sao bà làm như thế. Với trách nhiệm đảng viên lãnh đạo cấp Sở, bà Quỳnh Anh sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng như thế nào? Đâu đó, có cái gọi là trần tình của bà trên mạng xã hội. Thực hư thế nào chưa rõ nhưng không thể xem đó là bản giải trình trước tổ chức. Không nhất thiết phải xác minh là có tham nhũng thì mới có thể kết luận tài sản bất minh; có nhiều con đường dẫn tới tài sản bất minh của cán bộ, đảng viên cần phải được làm rõ, ví dụ như dây dưa chuyện vi phạm pháp luật hoặc dính líu đến tiêu cực của người khác từng liên quan, nếu có.
Việc kiểm điểm tới đây như nêu trên rất cần thiết tiến hành theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, đối chiếu cụ thể với nội dung nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Sự thật, dù nhỏ vẫn cần là sự thật. Dư luận hy vọng vào việc xử lý nghiêm, toàn diện và rốt ráo đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm tại Thanh Hóa để giữ vững kỷ cương, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và người dân địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.