Cơ chế phát hiện tham nhũng

29/03/2014 03:00 GMT+7

Không chỉ lớn về giá trị, vụ cáo buộc các quan chức đường sắt VN nhận hối lộ từ Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) trở nên nghiêm trọng hơn khi nó diễn ra với một kịch bản giống hệt vụ Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) và Huỳnh Ngọc Sĩ, 6 năm về trước.

Không chỉ lớn về giá trị, vụ cáo buộc các quan chức đường sắt VN nhận hối lộ từ Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) trở nên nghiêm trọng hơn khi nó diễn ra với một kịch bản giống hệt vụ Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) và Huỳnh Ngọc Sĩ, 6 năm về trước.

Có điều, dư luận tỏ ra tin tưởng bởi từ vụ PCI đến JTC, phản ứng của Chính phủ và các cơ quan chức năng VN được cho là đã tích cực hơn rất nhiều. Nếu trong vụ PCI, VN phải mất ít nhất 6 tháng mới có những động thái điều tra đầu tiên, sau khi phía Nhật gây sức ép trực tiếp - tuyên bố dừng cung cấp vốn ODA, thì trong vụ JTC các động thái ngoại giao đầu tiên, cũng như việc điều tra chủ động đã được thực hiện chỉ sau 24 tiếng đồng hồ.

Nếu so với vụ một công ty nước ngoài khác là Securency (Úc) cáo buộc quan chức VN nhận hối lộ trong vụ in tiền polymer năm 2009, mà phía VN gần như không xem xét gì do “không được phía bạn yêu cầu”, thì động thái này còn là bước tiến dài hơn nữa. Điều này giúp đánh tan nghi ngờ về quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta.

Nhưng câu hỏi cần đặt ra là, tại sao sau phiên xử liên quan đến tố giác của PCI, các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo, luật pháp cũng bổ sung các quy định, thành lập các ban bệ giám sát chặt chẽ nhưng tai tiếng nhận hối lộ trong các dự án ODA vẫn tiếp tục? Đặc biệt, nó chỉ bị phát hiện khi nước ngoài điều tra doanh nghiệp, công dân của họ.

Theo thông tin trên báo chí Nhật thì sự việc đưa hối lộ tại JTC được phát hiện khi cơ quan thuế địa phương Tokyo thanh tra thuế của Công ty JTC và phát hiện những khoản thanh toán trái phép. Trong khi đó, ở VN cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chống tham nhũng. Chúng ta đã có luật về phòng chống tham nhũng, có hệ thống cơ quan thanh tra, giám sát được tổ chức từ trung ương đến cơ sở, nhưng tỷ lệ các vụ án tham nhũng, tiêu cực được phát hiện do công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ rất hạn chế, là điều đáng suy ngẫm.

Một khảo sát về những thách thức trong phòng chống tham nhũng ở VN, công bố tháng 1.2014 của Ngân hàng Thế giới cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả. Trong đó, 78% người được hỏi cho rằng đủ quy định pháp luật, nhưng chất lượng không cao (quy định chung chung, mang tính hình thức, nhiều nội dung đã lạc hậu, chậm được điều chỉnh, sửa đổi). Đa số người được hỏi cho rằng, các đối tượng tham nhũng chưa chịu những hình phạt thích đáng. 92% người tin rằng, việc xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc tham nhũng sẽ có tác dụng tích cực trong việc răn đe và phòng chống tham nhũng.

Và sự thực là, cần nên lý giải và kiểm soát được chuyện một công chức bất kỳ tự nhiên giàu lên một cách đáng ngờ...

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.