Chuyện 2.500 du khách

Đọc bài Đánh giày theo kiểu du côn trên Thanh Niên số ra ngày hôm qua 26.8 tôi không ngạc nhiên về kiểu kiếm ăn... du côn của những nhóm người này mà ngạc nhiên về một hiện tượng, không, phải nói là một tệ nạn như thế này vẫn nghiễm nhiên tồn tại trên đất TP.HCM.

Theo cách hiểu thông thường nhất thì, du côn là những kẻ bất lương, chuyên tìm cách hưởng thụ trên thành quả lao động của người khác một cách ngạo ngược, bất chấp đạo lý, luật pháp. Du đãng là tập hợp những tên du côn. Chúng có tổ chức, có quy ước với nhau, nhiều khi ra ''tôn chỉ hoạt động'' hẳn hoi nhằm câu kết với nhau hoành hành tác quái chiếm đoạt tài sản, hà hiếp dân lành… Đọc bài viết trên, có thể thấy, những nhóm người này đã thành du đãng.
Trong bài viết trên, bà Đinh Tố Hoa, Phó chánh thanh tra Sở Du lịch TP.HCM, cho biết “trong 6 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.506 trường hợp hàng rong chèo kéo du khách, ép mua hàng với giá cao”.
Hơn 2.500 trường hợp được phát hiện, vậy là còn rất nhiều trường hợp như thế chưa phát hiện. Vậy thì ít nhất cũng có đến 2.500 lượt người bị “tấn công” - theo đúng nghĩa của từ này - và họ đã nghĩ gì về đất nước chúng ta?
Tôi nói không ngạc nhiên về hiện tượng này là vì, TP.Đà Nẵng nơi tôi sống, cách đây 14 năm đã từng có tình trạng như vậy, và tôi nghĩ, ở TP.HCM không phải bây giờ mới có.
Vấn đề đáng nói là, Đà Nẵng ngày nay đã thành một thành phố sạch, không có (hoặc hy hữu mới có vài trường hợp cá biệt) đánh giày, chèo kéo, bán hàng rong... bình thường chứ đừng nói theo kiểu du côn của bọn du đãng.
Đà Nẵng đã làm thế nào?
Còn nhớ đầu năm 2002, khi thấy hiện tượng chèo kéo du khách trở lại, TP.Đà Nẵng đã tổ chức gặp mặt số người bán hàng rong, đánh giày, bán vé số… sinh sống trên địa bàn để phổ biến và vận động họ tự giác chấp hành các quy định của thành phố. Tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các đối tượng chuyển đổi việc làm khác phù hợp với bản thân nhằm ổn định cuộc sống; thực hiện lồng ghép vào các chương trình, dự án để cho vay vốn, hỗ trợ học nghề, học văn hóa, thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội, hướng dẫn cách làm ăn...
UBND TP cũng vận động các cơ sở kinh doanh ăn uống, giải trí, các điểm du lịch, các chợ cam kết không để đối tượng bán hàng rong lợi dụng xin ăn trong các cơ sở, đơn vị mình quản lý.
Các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, khảo sát địa bàn, quản lý đối tượng. Theo đó, thường xuyên tuần tra, kiểm soát địa bàn, quản lý chặt chẽ việc đăng ký tạm trú, tạm vắng tại các nhà trọ, nhà cho thuê... Phát hiện xử lý, ngăn chặn tình trạng người ngoài địa phương đến thành phố để bán hàng rong, đánh giày kết hợp xin ăn. Tổ chức cho các đối tượng trong diện quản lý làm cam kết không vi phạm các quy định của thành phố; định kỳ tổ chức họp để chấn chỉnh những trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, xử lý nghiêm theo pháp luật đối với các đối tượng có hành vi lợi dụng trẻ em hoặc mang theo trẻ em, lợi dụng sự khiếm khuyết của bản thân để đeo bám, nài nỉ khách mua hàng hoặc kết hợp bán hàng với xin ăn. Trường hợp vi phạm lần đầu, tình tiết nhẹ thì có thể đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội để phân loại giải quyết.
TP.Đà Nẵng cũng công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân báo tin (và có nhận thưởng) về những trường hợp này, nhận được tin báo ngay lập tức có lực lượng xử lý.
Đà Nẵng cũng không ôm đồm, ban đầu TP làm thí điểm trên các tuyến đường chính nhiều khách du lịch như Bạch Đằng, Trần Phú, Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh..., 3 khu vực cầu Sông Hàn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Quảng trường 29/3, từ đó mới nhân rộng ra. Và hiệu quả thì như chúng ta đã biết.
TP.HCM địa bàn rộng, người đông, dân tứ xứ đổ về tất nhiên sẽ khó hơn Đà Nẵng, nhưng dù thế nào thì cũng phải làm mới biết và chọn trọng tâm, trọng điểm trên từng tuyến đường, điểm tham quan du lịch để làm quyết liệt.
Ông Lưu Trung Hòa, Phó chủ tịch UBND Q.1, khẳng định: "Ngay hôm nay quận sẽ tăng cường các đội trật tự đô thị ở các điểm thường xuyên có đông du khách đến tham quan để ngăn chặn, xử lý triệt để". Tôi thấy đó là một cách nhưng cách “nắm đầu ngọn”, sẽ không bao giờ đủ lực lượng để làm chuyện đó thường xuyên, liên tục. Kinh nghiệm của Đà Nẵng là phải quản lý từ cơ sở tổ dân phố (mà TP.HCM cũng có) và người dân của chính thành phố đó. Mỗi khi người dân thấy “chướng tai gai mắt” ắt họ sẽ có hành động, góp công sức rất lớn để giữ hình ảnh của thành phố mình.
Chúng ta không nên để lại có thêm ít nhất 2.500 du khách khác “rùng rợn” khi nghĩ đến VN!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.