Chương trình giáo dục mới có hiệu quả?

12/01/2021 04:29 GMT+7

100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày là một trong những yêu cầu cơ bản nhất khi triển khai c hương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 và đây cũng là nỗi lo lớn nhất của nhiều địa phương vì không thể thực hiện theo quy định.

Không phải vùng sâu, vùng xa mới gặp khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện cho học sinh (HS) học 2 buổi/ngày mà áp lực nhiều nhất là ở các thành phố lớn vì tăng dân số cơ học diễn ra hằng năm. Trở ngại này đã được các địa phương dự báo và liên tục thông tin cho Bộ GD-ĐT trong các hội nghị, diễn đàn triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo quy định, điều kiện tối thiểu để HS tiểu học được học 2 buổi/ngày là sĩ số 35 HS/lớp. Nhưng thực tế ngay trước khi thực hiện chương trình mới, con số này vẫn là trong mơ với nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Ở 2 thành phố này có những trường, những lớp sĩ số có khi gần 60 HS/lớp. Chỉ riêng TP.HCM, tỷ lệ HS tiểu học học 2 buổi/ngày trung bình là 70% trước khi thực hiện chương trình mới nhưng ở một số quận tỷ lệ này rất thấp. Chẳng hạn như Q.Tân Phú chỉ khoảng 30%. Các quận Gò Vấp, Bình Tân, 12, Thủ Đức, H.Bình Chánh... cũng trong tình cảnh tương tự. Đến mức có trưởng phòng giáo dục đã nhiều lần thốt lên: “Để đảm bảo 100% HS lớp 1 học 2 buổi/ngày là điều không thể”.
Tăng dân số cơ học là câu chuyện không thể đảo ngược ở các thành phố lớn. Trong khi một số địa phương vùng xa số HS ít dần vì theo cha mẹ di cư vào các thành phố lớn thì ngược lại, các tỉnh thành lớn gánh số HS này. Trường học có xây cũng khó lòng theo kịp tốc độ tăng dân số nhanh chóng nên giải quyết chỗ học cho HS là vấn đề nan giải. Khi thực hiện chương trình mới thì càng khó khăn hơn.
Vấn đề đặt ra tại sao còn quá nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên nhưng vẫn triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới? Đành rằng, với điều kiện của Việt Nam, không thể đợi tất cả các địa phương đầy đủ điều kiện hết mới thực hiện, nhưng khi triển khai cần phải xét điều kiện khác nhau ở từng địa phương xem hiệu quả của chương trình mới đến đâu để điều chỉnh kịp thời. Các địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp linh động như TP.HCM yêu cầu các giáo viên, nhà trường sáng tạo hơn khi cho HS thực hiện các tiết học trải nghiệm, kỹ năng; sẽ hỗ trợ học phí cho những HS có điều kiện theo học ở các trường tư thục để giảm bớt áp lực về sĩ số cho trường công lập...
Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là giải pháp tạm thời. Nỗi lo càng tăng hơn khi năm học tới thực hiện tiếp tục ở lớp 2 và triển khai với lớp 6.
Liệu chương trình mới có đạt kết quả như mong muốn hay chỉ là thay đổi tên gọi, cách thức thực hiện, sách giáo khoa... khi những điều kiện cơ bản để thực hiện chưa đạt được? Đó mới là nỗi lo thật sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.