Chủ quan

07/11/2017 07:16 GMT+7

Bão số 12 đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người, trong đó có hơn 20 người ở Khánh Hòa và một số thuyền viên chết do các tàu bị chìm tại phao số 0 cảng Quy Nhơn (Bình Định).

Sau cơn bão, những lỗ hổng của công tác điều hành, chỉ đạo của chính quyền cơ sở đã lộ ra bao điều đáng để suy ngẫm.
Nếu như tại phao số 0 cảng Quy Nhơn, sự chủ quan nằm ở bộ phận chỉ huy các tàu và thủy thủ đoàn, thì hơn 20 người chết ở Khánh Hòa, phần lớn là do chủ quan từ cả hai phía - người dân và chính quyền. Không thể tưởng tượng được, bão đã ập vào rồi, mưa gió xé trời như thế mà nhiều người nuôi cá lồng bè trên các đầm thuộc TX.Ninh Hòa vẫn đội mưa ra hiện trường để kiểm tra xem tôm cá thiệt hại ra làm sao. Bốn người đã thiệt mạng vì việc này.
Cũng rất khó hiểu khi có trường hợp chết là do chính ngôi nhà của mình sập đè lên do không chịu sơ tán. Lại có trường hợp, nước lũ tràn qua các ngầm, chảy như thác, vẫn đi xe máy băng qua để bị cuốn trôi…
Tất cả những thảm cảnh kể trên, trước hết là do chủ quan, sau nữa là thiếu sự vào cuộc kiên quyết từ cấp chính quyền cơ sở. Ở nhiều địa phương vùng bắc và trung Trung bộ, khi lũ dâng, bão ập vào, lực lượng xung kích liền có mặt ở những điểm xung yếu nhất. Nếu lực lượng này khuyên bảo mà dân không nghe, họ buộc phải “mạnh tay” cưỡng chế, bắt dân phải rời khỏi nhà nếu thấy không an toàn; họ nghiêm cấm người dân không được lai vãng ở các lồng bè. Ở các ngầm tràn, luôn có lực lượng bảo vệ chốt gác, không cho dân qua lại…
Còn ở Khánh Hòa, có nơi chính quyền thôn, xã thiếu kiểm soát và đôn đốc trực tiếp khiến người dân càng chủ quan hơn.
Có lẽ sự chủ quan của người dân lẫn chính quyền được “dung dưỡng” từ những ưu ái của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Bao nhiêu cơn bão thập thò ngoài biển, bên khí tượng dự báo là đang trực chỉ Khánh Hòa nhưng cuối cùng rồi cũng tan ngoài biển hoặc rẽ hướng sang nơi khác. Vùng đất này lại được vây bọc bởi các dãy núi điệp trùng chắn ngang ngoài biển, gió nào mà lọt vô đây được! Đó là những lý do để phần lớn các mái nhà lợp tôn của dân đều tạm bợ, sơ sài. Một cơn lốc đủ để xóa đi phần mái tôn lợp tạm ấy nói gì bão cấp 12!
Sau cơn bão đã lộ ra nhiều điều, trong đó phần chủ quan là lộ rõ nhất. Cái giá của sự chủ quan nói chung là không hề nhỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.