Chống đô la hóa

25/10/2018 05:07 GMT+7

Việc người thợ điện ở Cần Thơ bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD ở tiệm vàng đang gây sự quan tâm của rất nhiều người. Tại sao một việc hoàn toàn đúng luật nhưng lại gây tò mò, tranh cãi nhiều đến như vậy?

Nguyên nhân đầu tiên là do việc tuyên truyền của chúng ta chưa tốt. Sau sự việc trên, nhiều người thừa nhận họ không hề biết bán "đô" ở tiệm vàng là không được phép; trong khi các điểm được phép mua bán ngoại tệ quy định trong Thông tư 20 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ cuối năm 2011.
Nguyên nhân thứ hai là việc buông lỏng quản lý cho hoạt động mua bán ngoại tệ chui hoạt động tràn lan, trà trộn giữa những điểm hợp pháp và không hợp pháp; giữa hành vi được phép và hành vi bị cấm. Không ít người nói thẳng, họ biết chỉ được mua bán ngoại tệ ở nơi được phép nhưng chỗ nào hợp pháp, chỗ nào không thì... chịu. Thế nên cứ nơi nào thuận tiện, giá cao, mua bán dễ dàng là họ tới. Có cầu thì có cung. Các tiệm vàng, các điểm thu đổi ngoại tệ trái phép lại mọc ra. Đừng nói ở những địa phương xa xôi, ngay tại TP.HCM, Hà Nội và nhiều thành phố lớn, tình trạng mua bán "đô" chui vẫn diễn ra công khai, hằng ngày nhưng ít thấy kiểm tra, xử phạt. Chỉ cần kiểm tra, xử phạt nghiêm minh đúng quy định... thì các tiệm vàng, các điểm thu đổi ngoại tệ chui không dễ gì hoạt động thoải mái như hiện nay.
Còn nhớ ngay sau thời điểm Thông tư 20 có vừa hiệu lực, ngày 28.11.2011, công an đã phát hiện một vụ mua bán trái phép ngoại tệ xảy ra tại Phòng giao dịch Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) của Ngân hàng Eximbank. Ngoài tịch thu toàn bộ tang vật, gồm 500.000 USD và 10,6 tỉ đồng, Bộ Công an đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 2 cá nhân trong vụ việc, mỗi người 75 triệu đồng. Việc người thợ điện ở Cần Thơ bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD cũng gợi chúng ta nhớ đến vụ ông Dương Công Kiên bị xử phạt 400 triệu đồng vì thu đổi 100 USD trái phép...
Dẫn lại để thấy, khi quy định mới có hiệu lực, chúng ta đã làm khá nghiêm túc, mạnh tay và hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép đã co cụm lại. Thế nhưng sau đó thì... Cũng tương tự như quy định niêm yết bằng ngoại tệ, hoạt động kiểm tra, xử phạt cũng cứ rộ lên rồi lại buông.
Chế tài nghiêm minh với các hành vi vi phạm quy định mua bán ngoại tệ là cần thiết; nhưng trước hết, cơ quan quản lý phải làm hết trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt chứ không thể làm theo kiểu phong trào khiến người dân chưa tâm phục, khẩu phục dù đúng luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.