Chọn việc gửi tiền

15/07/2014 03:00 GMT+7

Giải thưởng tại cuộc thi piano quốc tế năm 1980, theo chính Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn sau này nhìn lại, không chỉ có ý nghĩa với ông mà còn có ý nghĩa với dân chơi nhạc.

“Hồi đó, lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định cho một cậu thanh niên chưa phải là cán bộ, đảng viên đi biểu diễn ở các nước tư bản và một loạt người trẻ Việt Nam được cấp học bổng đi học trung cấp piano ở Nga”, ông nhớ lại.

Một cuộc đầu tư con người vượt cấp, vượt qua những thông lệ.

Cũng vẫn Đặng Thái Sơn, của hơn hai mươi năm sau đã mang một cuộc thi âm nhạc quốc tế khác về Việt Nam. Cuộc thi này nếu được tổ chức đều đặn sẽ giúp những tài năng trong nước đẫm mình vào môi trường chuyên nghiệp như ông năm xưa. Nhưng lần này, cuộc đầu tư con người vượt cấp đã không diễn ra. Cuộc thi không thể tổ chức do thiếu 1,2 tỉ đồng chi phí.

Trong khi đó, những đầu tư cho quy hoạch nghệ thuật biểu diễn hiện lại đang “nặng về xây dựng cơ bản”, theo nhận xét của một lãnh đạo Sở VH-TT-DL một thành phố lớn. Một tổng kết khác của Hội đồng Di sản quốc gia cũng cho thấy, các lễ hội mới, festival, lễ kỷ niệm của tỉnh (chiếm khoảng hơn 4% số lễ hội trong nước mỗi năm) lại vô cùng tốn kém, ngày càng mở rộng về quy mô, mời nhiều quan khách nhưng hiệu quả thấp. Thậm chí, tại hội thảo do hội đồng này tổ chức, có ý kiến còn cho biết một festival từng tiêu tốn 320 tỉ đồng.

Sự chênh lệch giữa đầu tư cho nghệ thuật hàn lâm, nghệ thuật đỉnh cao dường như quá chênh lệch so với những festival mà theo GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia “ngày càng mở rộng về quy mô nhưng hiệu quả thấp”.

Rõ ràng, trong khối ngân sách chung, vẫn có tiền chi cho hoạt động văn hóa hiệu quả thấp, và cũng có những hoạt động “ngoại giao văn hóa” bị bỏ quên trong phân bổ ngân sách.

Không chỉ là “ngoại giao văn hóa”, những cuộc đầu tư âm nhạc bài bản, đỉnh cao cũng sẽ “bổ” với thể trạng âm nhạc trong nước. Giờ đây, những nghệ sĩ được đầu tư bài bản tại các trường đào tạo âm nhạc nước ngoài xưa như Quốc Trung, Anh Quân... đang trở thành những “thủ lĩnh không ngai” chèo lái cho nhạc nhẹ trong nước. Trong khi những nghệ sĩ khác như Lê Phi Phi, Lương Hồng Quang tuy đang hoạt động ở nước ngoài vẫn không ngừng chuyển thêm lửa nghề về nước.

Rõ ràng, câu chuyện của âm nhạc, của nghệ thuật biểu diễn không phải nguồn tiền. Bởi nếu có chính sách “lái tiền đúng hướng” thì dù không trực tiếp đầu tư, nhà nước vẫn có thể thu xếp tiền cho nghệ thuật đỉnh cao qua các ưu đãi thuế cho nhà bảo trợ nghệ thuật. Nói cho cùng, chúng ta đang mắc ở câu chuyện “chọn mặt gửi tiền”.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.