Cho dân cho nước được nhờ

08/12/2015 06:13 GMT+7

Ở Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần này, nhiều tấm gương những con người thực sự bình dị nhưng thực sự lớn lao đã được vinh danh.

Ở Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần này, nhiều tấm gương những con người thực sự bình dị nhưng thực sự lớn lao đã được vinh danh.

Điều quan trọng hơn những danh hiệu, là những con người ấy bằng nhân cách cao cả của mình, bằng lao động sáng tạo nhiều khi đến kinh ngạc của mình đã thể hiện ý Bác Hồ từng nói về thi đua: thi đua là việc hằng ngày, là chuyện của những con người bình thường, vì thương dân yêu nước mà làm việc, làm những việc nhiều khi phi thường mà không để ý.
Một người nông dân sáng tạo hàng loạt máy móc nông nghiệp, đặc biệt độc đáo là chiếc máy cuốn rơm có thể chạy trên mọi địa hình, kể cả sình lầy, phù hợp với địa hình ĐBSCL. Chiếc máy này giúp nông dân xử lý, tận dụng rơm - vốn trước đây chỉ được đốt bỏ - trở thành một loại hàng hóa có thể sử dụng, thậm chí xuất khẩu, biến rơm thành tiền. Người nông dân đó là anh Phan Tấn Bện, tên anh trùng với một động từ rất dân dã trong tiếng Việt: bện. Vâng, anh Bện đã “bện” lại cả kinh nghiệm làm nông và óc sáng tạo kỳ lạ của người nông dân, đã “bện” lại nhu cầu sản xuất của nông dân và những máy móc đáp ứng đúng nhu cầu sản xuất đó. Anh Bện không “sáng chế” những thứ vu vơ, anh làm cái gì cũng vì nhu cầu trước hết của người nông dân trong xóm làng mình, trong vùng ĐBSCL rộng lớn của mình.
Mỗi một tấm gương của chiến sĩ thi đua đúng nghĩa không hề soi chiếu cho gương mặt của họ, nó soi chiếu cho cả quê hương họ, cho bà con xóm làng hay phố phường của họ. Sự soi chiếu ấy không nhằm mang lại vinh quang hay lợi lộc cho cá nhân, nó mang lại ánh sáng cho nhiều người, cho cả vùng đất, cho Tổ quốc mình.
Tôi đã từng được xem một phóng sự về bác sĩ Bùi Đình Lĩnh cách đây ít lâu, người bác sĩ đã dâng hiến 30 năm đời mình cho nhân dân huyện đảo Phú Quý. Phải dùng ở đây từ “dâng hiến”, vì không có từ ngữ nào chính xác hơn để nói về sự hy sinh cả tình cảm gia đình, tình nguyện sống xa vợ con để chăm sóc sức khỏe cho người dân ở đảo. “Tôi coi bà con trên đảo là người thân thuộc, đảo là quê hương”. Anh Lĩnh nói. Câu nói ấy được chắt ra từ 30 năm sống dâng hiến của người bác sĩ này, nó nặng như chính cuộc đời anh. Những người tốt đẹp ấy giống những cái cây, bản chất của nó là che mát, nó hút thán khí và tỏa dưỡng khí cho cuộc đời.
Càng có nhiều người tốt như thế, tận tâm như thế, lòng ngay dạ thẳng như thế, miệt mài sáng tạo và không hề đố kỵ hay ganh ghét như thế, mà nhân dân ở nhiều xóm làng, thôn bản, nhiều khu phố hay tận hải đảo xa xôi được nhờ. Vâng, được nhờ theo đúng nghĩa đen. Và một khi nhân dân được nhờ, là đất nước được nhờ.
Bây giờ, mỗi khi đọc thấy những “hung tin” về cái xấu cái ác đang lan tràn trong xã hội, lòng mỗi người lương thiện đều xót xa. Nhưng khi được đọc dù chỉ một câu chuyện ngắn về một “người tốt ở VN” nào đó, một “người tài ở VN” bất kể thuộc thành phần nào, trong bất cứ lĩnh vực nào, chúng ta lại như được an ủi, như được cổ vũ, như được truyền lửa: hãy bình tĩnh, và tin, rằng trên đời còn bao người tốt đẹp, bao người giỏi giang, bao người dâng hiến. Họ vẫn âm thầm, nhiều khi sống quanh ta mà ta chưa nhận ra, nhưng rồi sẽ nhận ra. Bởi không có người tốt đẹp nào giữ riêng sự tốt đẹp cho mình cả. Họ dâng hiến, cho dân, cho nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.