Chính quyền đô thị

06/07/2012 03:54 GMT+7

Một bạn đọc gọi điện đến cám ơn phóng viên Báo Thanh Niên đã “chỉ tận tay, day tận mặt” những kẻ đã ngang nhiên “trấn lột” người dân, bằng cách tự phân chia ranh giới, lập bến bãi trên nhiều tuyến đường, thu tiền trái phép (Báo Thanh Niên số ra ngày 5.7).

Tình trạng này, theo vị bạn đọc trên, đã kéo dài từ nhiều năm qua, dù đã được giới tài xế và người dân phản ánh nhiều lần, nhưng đâu vẫn vào đấy. “Ngay sau khi Báo Thanh Niên lên tiếng, thì một số người này đã không thấy xuất hiện thu tiền như trước nữa”, vị bạn đọc hồ hởi.

Không chỉ tại TP.HCM, đầu tháng 7.2012, Báo Thanh Niên tiếp tục phản ánh tình trạng “chặt chém” khách tại một số quán ăn ở TP.Vũng Tàu; tình trạng “cò” lôi kéo khách, tạo nên cảnh bát nháo tại Bến tàu du lịch Cầu Đá (TP.Nha Trang, Khánh Hòa)... Tương tự, tại nhiều TP du lịch khác trong cả nước, chúng ta cũng thường nghe những câu chuyện về nhiều hành khách bị “chặt chém” khi đi taxi, đi hành hương, hoặc gửi xe...
 
Để xảy ra những vụ việc trên, không ít người đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai khi tình trạng “chặt chém”, cát cứ, tranh giành, thu phí trái phép diễn ra công khai trước mắt mọi người. Trong khi đó, trên đường phố luôn có mặt những người thừa hành công vụ, từ cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, thanh tra xây dựng, đến dân phòng dân phố, khu phố..., vốn được xem là cánh tay nối dài của các cấp chính quyền từ thành phố xuống tận cơ sở - những lực lượng được giao trách nhiệm đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn mình quản lý. Thế nhưng, những lực lượng này dù ăn lương từ tiền thuế của người dân đóng góp, nhưng họ đã không làm cho người dân yên tâm, khi những vụ việc nhỏ trên vẫn nhan nhản trên đường phố, gây bức xúc cho người dân.

Dù biết rằng, lãnh đạo các địa phương hằng ngày phải lo tập trung cho công tác quản lý điều hành, giải quyết những công việc mang tầm vĩ mô, song những vụ việc nhỏ trên cũng rất cần được quan tâm giải quyết rốt ráo. Bởi dù nhỏ, nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sát sườn, quyền lợi chính đáng của người dân và hơn nữa là niềm tin của dân vào chính quyền.

Mặt khác, cần hoàn chỉnh thể chế tổ chức của một chính quyền đô thị, trong đó, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về ngân sách, bộ máy, nhân sự, quản lý trật tự đô thị... Ủy ban hành chính thành phố do chủ tịch (thị trưởng) đứng đầu, ủy ban hành chính quận, huyện do quận trưởng đứng đầu, chuyển trách nhiệm tập thể sang cá nhân một cách rõ ràng hơn, minh bạch hơn. Một khi trách nhiệm được quy định thống nhất, rõ ràng thì mọi việc liên quan đến người dân sẽ được giải quyết tốt hơn, đáp ứng đòi hỏi của xã hội.

Giải quyết được những việc nhỏ trên không chỉ góp phần tạo bộ mặt đẹp hơn nữa cho TP, mà quan trọng hơn đó là an dân.

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.