Cẩu thả

11/10/2018 04:54 GMT+7

Hàng loạt sai sót, từ lễ tiết, tác phong cho đến những hình ảnh quân nhân chưa sát với đời sống thực tế của Quân đội VN trong bộ phim Hậu duệ mặt trời phiên bản VN đã bị chính khán giả lên tiếng, phản ứng.

Có ý kiến (trong đó có cả từ phía một lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà nước) cho rằng những sai sót này “chưa có gì đáng nói”, bởi đã là phim thì hoàn toàn có thể hư cấu. Không ai phủ nhận, làm phim là không thể không hư cấu. Nhưng nếu xem xét một cách kỹ càng, những sai sót trong phim Hậu duệ mặt trời phiên bản VN không phải là do hư cấu mang đến sự hấp dẫn cho bộ phim, mà đó là sự cẩu thả khiến người xem khó chịu, thậm chí bức xúc. Chưa nói đến việc, nhà làm phim còn khẳng định: “Nhiều nhân vật chính trong phim sẽ là những người lính VN đang ngày đêm bảo vệ biển trời của Tổ quốc”. Trong khi đã làm phim mang hình ảnh quân nhân VN, dù là phim lịch sử, về thời xưa hay thời nay, thì vẫn cần phải đúng cơ bản về quân phục, tác phong, kỹ thuật tác chiến… Bởi điều đó cho thấy thái độ tôn trọng của nhà làm phim với bộ phim mang hình ảnh của những người lính, những người anh hùng của đất nước mình.

Đặt bên cạnh những sai sót thì Hậu duệ mặt trời phiên bản VN mang đến điều gì cho người xem? Bộ phim Hậu duệ mặt trời của Hàn Quốc không chỉ gây sốt tại ngay chính đất nước này mà còn trên toàn châu Á. Lý do khán giả yêu thích bộ phim không chỉ vì sự mến mộ hai diễn viên chính Song Hye-kyo và Song Joong-ki, cũng như câu chuyện tình yêu lãng mạn giữa cô nàng bác sĩ và chàng đại úy, mà trên hết bởi những ý nghĩa của bộ phim. Một bộ phim về chủ nghĩa anh hùng, truyền tinh thần về lòng yêu nước, tình yêu con người tới khán giả.
Thành công của Hậu duệ mặt trời phiên bản gốc cho thấy một bộ phim hay không thể chỉ mang tính giải trí thuần túy mà còn phải mang tính nhân văn. Nhìn lại thì đến giờ, bộ phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt hóa mới chỉ khiến người ta cảm nhận thấy diễn biến tình cảm của hai nhân vật chính, nhưng khó thỏa mãn với cách diễn xuất khiên cưỡng của diễn viên.
Nhà làm phim khi muốn truyền tải hình ảnh về những quân nhân và những thông điệp ý nghĩa đến đâu thì ít nhất cũng phải tôn trọng những quy chuẩn, hay gần gũi với thực tế. Khi thấy các diễn viên vào vai bộ đội mặc trang phục mới tinh, vị đạo diễn người Pháp của phim Điện Biên Phủ đã bỏ về. Ông yêu cầu người thiết kế trang phục phải làm trang phục cho cũ đi. Tất cả phải tôn trọng hiện thực. Câu chuyện mà nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn đã kể là điều để các nhà làm phim Việt suy nghĩ.
Trước việc trình chiếu một bộ phim có nhiều sai sót, chắp vá và cẩu thả này, cho đến giờ, ngoài Bộ Quốc phòng đã có yêu cầu đơn vị phát sóng bộ phim - VTC chỉnh sửa, thì chưa có cơ quan quản lý nào có ý kiến về việc này. Khó hiểu thay!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.