Cấp phép và kiểm soát

08/07/2018 07:11 GMT+7

Cuộc triển lãm nội tạng và cơ thể người ở TP.HCM gây tranh cãi cuối cùng cũng có được một “điểm dừng”, dù là bắt đắc dĩ.

Là dừng vì lỗi “không trung thực trong hồ sơ xin cấp phép trưng bày”. Xin phép triển lãm 10 tháng (từ 1.11.2017 - 1.9.2018) nhưng đơn vị tổ chức lại toan tính kéo dài đến tháng 12.2018. Cái đó có thể giải thích được, vì bắt đầu muộn so với giấy phép, nhưng chuyện xin triển lãm với vật trưng bày mô hình cấu trúc cơ thể người bằng chất liệu nhựa, nhưng thực tế lại là trưng bày xác người được nhựa hóa là lập lờ đáng nói.
Những hoạt động nằm trong danh mục phải phê duyệt cấp phép tức là đã nằm trong danh mục những điều cần được kiểm soát trước để đảm bảo tính hợp pháp và hữu ích đối với đời sống xã hội. Cơ quan chức năng được giao trách nhiệm phê duyệt cấp phép phải hiểu rằng, mình là “người gác cửa” cuối cùng của cộng đồng đối với những hoạt động có thể hay không thể gây ra tác động tiêu cực hay tác hại với cộng đồng. Trong trường hợp đó, giá trị “phê duyệt cấp phép” trở thành một dịch vụ chính phủ cần thiết đối với các chủ thể xin cấp phép nhưng đồng thời cũng là một thứ hành động thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với người dân.
Vậy nên, nếu chỉ đơn giản dựa vào mấy thứ giấy tờ thủ tục hình thức mà bỏ qua việc kiểm soát chặt chẽ các yếu tố quan trọng của hoạt động đang được xin phép thì việc phê duyệt cấp phép sẽ trở nên hoàn toàn hình thức và dễ bị “qua mặt”. Chưa kể, kết hợp thêm những nguy cơ về tham nhũng vặt, thì những cú “qua mặt” bằng giấy tờ đầy đủ sẽ dẫn đến thực tế cơ quan chức trách thật ra chẳng kiểm soát được gì cả. Giấy phép lúc đó cũng coi như chỉ là một thứ màn diễn xiếc về thủ tục hành chính mà thôi. Cấp phép một triển lãm nhạy cảm như triển lãm cấu trúc cơ thể người mà chưa hề chạm tay vào cấu trúc vật thể sẽ trưng bày thì quả là thiếu sót nghiêm trọng.
Rồi giả sử cứ cho là đơn vị tổ chức tìm cách qua mặt cơ quan cấp phép ở thời điểm làm thủ tục xin phép đi chăng nữa, thì chí ít cơ chế giám sát cũng sẽ bù lại lỗ hổng quản lý ban đầu. Chí ít cũng là cơ quan chức năng cử người giám sát kiểm tra ngay từ những ngày đầu để xác nhận “sự trung thực” của đơn vị tổ chức.
Chứ không thể là, đợi đến khi người dân và báo chí lên tiếng chỉ trích gay gắt thì mới vào cuộc kiểm tra và tuyên bố đơn vị tổ chức “không trung thực”.
Bao nhiêu lần phạm lỗi “không trung thực” trên thủ tục giấy tờ kiểu như thế thì sẽ dẫn chúng ta đến chuyện phạm tội với cộng đồng, phạm tội với con người?
Câu trả lời chắc chắn chỉ có thể tìm được trong ý thức đầy đủ về trách nhiệm của cơ quan chức năng, của những người đang làm việc trong các cơ quan có thẩm quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.