Cấp phép trên cơ sở nào ?

24/07/2017 05:54 GMT+7

Đó là câu hỏi mà dư luận đang đặt ra cho Bộ Tài nguyên - Môi trường, khi Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ đang chờ kết quả quan trắc, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại khu vực biển được cấp phép nhận chìm bùn thải của Viện Hải dương học để làm cơ sở thực tế, xem xét có giao khu vực biển cho doanh nghiệp được thực hiện nhận chìm hay không.

Bởi trước đó, Bộ đã chính thức "giao" vùng biển này cho Nhiệt điện Vĩnh Tân nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải thông qua Giấy phép số 1517 do Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc ký. Giấy phép này ghi rất cụ thể, tổng diện tích được phép nhận chìm là 30 ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá 30 m. Giấy phép cũng ghi rõ có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hạn vào ngày 30.10.2017. Giờ Bộ trưởng nói "chưa giao" vùng biển này cho doanh nghiệp thì không lẽ giấy phép này ký chỉ cho vui, cho có?
Quan trọng hơn, việc Bộ trưởng Trần Hồng Hà "đang chờ kết quả quan trắc, thu thập thông tin, số liệu môi trường" để quyết định việc cho nhận chìm hay không cho thấy, bộ này đã ký giấy phép cho nhận chìm cả triệu mét khối bùn thải trong khi chưa có đầy đủ thông tin về đáy biển cũng như tầm quan trọng của vùng biển này. Đây là điều hết sức nguy hiểm. Thứ nhất, nó cho thấy lỗ hổng rất lớn trong quy trình cấp phép các dự án liên quan đến môi trường. Ở dự án này, 3 nhà khoa học tham gia khảo sát bị mạo danh; giám đốc tư vấn dự án thì không biết, không gặp nhà khoa học nào; Bộ Tài nguyên - Môi trường - đơn vị quyết định cấp phép - cũng chưa nắm rõ số liệu quan trắc, thông tin môi trường. Vậy không hiểu Bộ cấp phép dựa trên cơ sở nào? Thứ hai, với quy trình lỏng lẻo như thế này, câu hỏi đặt ra là, liệu có bao nhiêu dự án "lọt lưới" đã và đang gây ô nhiễm? Nên nhớ, việc nhận chìm trên thế giới được kiểm soát rất chặt chẽ và hoạt động này ngày càng giảm do biển và đại dương ngày càng bị ô nhiễm từ các hoạt động kinh tế - xã hội. Ấy vậy mà việc cấp phép nhận chìm cả triệu mét khối bùn thải ở vùng biển Bình Thuận, nơi có năng suất, sản lượng thủy sản cao hơn nhiều lần vùng biển khác và gần khu bảo tồn biển Hòn Cau, nơi có thảm cỏ biển, rạn san hô là nơi sinh sống của quần đàn thủy sinh lan tỏa ra toàn bộ vùng biển miền Trung, lại được thông qua một cách dễ dàng, sơ sài đến như vậy.
Được biết, kết quả khảo sát từ Viện Hải dương học (Nha Trang) đã có và sẽ được công bố trong tuần này. Nhưng kết quả này đã không còn cần thiết khi cả bộ hồ sơ cấp phép đã gian dối, sai lệch ngay từ đầu và đã không còn giá trị pháp lý. Thiết nghĩ, vấn đề hiện nay là làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc những người đã gian dối, đã làm sai quy trình cấp phép cho một dự án liên quan trực tiếp đến môi trường, đến sinh kế của hàng triệu người dân vùng biển chứ không phải đợi kết quả để quyết định "giao biển" hay không nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.