Cẩn trọng 'đặc thù' thuế

13/12/2017 05:22 GMT+7

Đó là vấn đề mà TP.HCM phải tính thật kỹ trước khi quyết định tăng thuế, phí một số hàng hóa, dịch vụ trong quá trình triển khai nghị quyết về cơ chế đặc thù.

Nếu vội vã, rất có thể số thu không tăng mà nguồn lực còn có nguy cơ chảy ngược sang các tỉnh, thành khác.
Đơn cử nếu TP tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, rượu, bia... thì giá bán các mặt hàng này ở TP.HCM sẽ cao hơn các địa phương khác. Cùng một mặt hàng, người dân TP phải mua với giá đắt hơn so với Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu... sẽ dẫn đến tình trạng các sản phẩm đồng dạng ở các tỉnh, thành lân cận sẽ chảy về TP để "ăn" chênh lệch. Với người tiêu dùng thì hết sức đơn giản, chỗ nào rẻ thì mua. Nhưng với các doanh nghiệp sản xuất thì mọi chuyện không đơn giản như vậy. Giá cao thì tiêu thụ sẽ giảm, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và số thuế nộp ngân sách cũng sẽ giảm tương ứng.
Dẫn một ví dụ để thấy, thuế, phí luôn là con dao 2 lưỡi. Tăng thuế, phí có thể tăng nguồn thu trước mắt nhưng về lâu dài, nguồn thu có thể hụt và nhà đầu tư có thể bỏ TP mà đi. Nhất là giờ đây, TP rất khó cạnh tranh với nhiều tỉnh thành về hạ tầng, về đất, lương, lao động...; nếu còn "sưu cao, thuế nặng" thì lấy gì để giữ chân họ? Nhưng cái mất không chỉ là con số mang tính định lượng. Cái mất lớn hơn là niềm tin của người dân, doanh nghiệp - những người đã ủng hộ, trông chờ vào một môi trường thông thoáng nhất, cạnh tranh nhất khi TP được Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đặc thù. Thực lòng mà nói thì việc TP được thí điểm tăng mức thuế suất với một số lĩnh vực; được quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa có trong danh mục cũng khiến không ít người lo lắng. Nhưng họ cũng có niềm tin rằng khi nói đến cơ chế đặc thù, đặc khu... thì điều đầu tiên là giảm thuế, phí, thủ tục hành chính... tối đa có thể để tạo đột phá trong phát huy nguồn lực, trí lực của người dân, doanh nghiệp. Từ đó mới tính đến chuyện thu thuế. Đây cũng là cách mà nhiều nước đã áp dụng và đạt được thành công lớn.
Đó là chưa kể, TP đã và đang đề xuất tăng một loạt phí, lệ phí như: Đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt hành chính hành vi vi phạm giao thông; tăng lệ phí cấp phép xây dựng, phí đăng ký thường trú - tạm trú; tăng mức thu thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Đó cũng là chưa kể, để tăng nguồn thu, TP còn có rất nhiều dư địa nếu quản lý thuế tốt hơn, nếu khai thác hợp lý các tài nguyên sẵn có trên địa bàn như quỹ đất công còn bỏ phí hay khai thác chưa hiệu quả vỉa hè bị chiếm dụng khắp nơi, phí gửi xe lòng lề đường quá rẻ...
Thay vì tạo ra một cơ chế thuế, phí đặc thù, TP hãy sử dụng cơ chế đặc thù để giải quyết tình trạng ngập nước, kẹt xe, quá tải hạ tầng...; khi đó tự khắc nguồn thu sẽ tăng.

tin liên quan

Trao 4 cơ chế đặc thù cho TP.HCM
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 vào chiều 24.11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, số đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp này nhiều nhất từ trước đến nay, Thủ tướng cũng đã dành nhiều thời gian nhất để trả lời chất vấn trực tiếp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.