Cần tầm nhìn lớn

27/09/2014 02:00 GMT+7

Dự án luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, một trong những dự luật quan trọng dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 10 tới đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi “chưa thông” hoặc “chưa chín” của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm qua.

Theo tờ trình Chính phủ, dự án luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được kỳ vọng tạo ra bước đột phá về cơ chế quản lý, điều phối các hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên biển, khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước, nhất là sự chồng chéo hoặc thiếu sự điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hiện nay. Tuy nhiên, ý kiến của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng họ chưa thấy rõ những điều đó trong dự luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nói nội hàm của luật là biển và hải đảo nhưng lại đưa thêm vào vùng bờ sẽ không phù hợp với luật Biên giới quốc gia và luật Biển, một số điều khoản có cảm giác như ban soạn thảo đang cụ thể hóa các luật chuyên ngành. “Đây là dự luật rất quan trọng không chỉ nhằm mục đích quy hoạch quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo mà còn phải chú ý đến bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự bởi đây là vùng nhạy cảm”, ông Khoa lưu ý.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, dự luật không nêu rõ được vai trò, trách nhiệm cụ thể của các ngành liên quan, trong khi đó đưa ra cơ chế công cụ quản lý tổng hợp thì phải có một cơ quan quản lý mang tính chất đầu mối để đảm bảo cho các hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. “Tôi chưa thấy đưa ra được quy tắc quản lý tài nguyên mang tính tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, nếu cá nhân tổ chức nước ngoài tiến hành nghiên cứu trên vùng biển cụ thể thì ai cấp phép, phải đáp ứng điều kiện gì”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền bày tỏ: “Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri và giám sát thấy rất băn khoăn, trăn trở là làm sao đánh giá cho đúng giá trị của vùng biển để đưa ra một quy hoạch tổng thể bởi hiện nay, các địa phương làm mỗi nơi một phách. Trong khi vùng biển đóng góp 50% GDP cho cả nước, 70% GDP cho ngành du lịch, tập trung nguồn nhân lực lớn của 28 tỉnh, thành phố”.

Nói như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: “Đây là luật không được xem nhẹ, cơ quan soạn thảo và các ngành liên quan cần phải dành thời gian, chắt lọc tinh hoa làm cho thận trọng, xứng tầm”. Bởi hơn lúc nào hết rất cần một tầm nhìn lớn cho vấn đề tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Thái Sơn

 >> Thực thi luật biển góp phần ổn định khu vực
>> Thi tìm hiểu luật Biển
>> Giới thiệu luật Biển Việt Nam tại hội thảo quốc tế
>> LHQ kỷ niệm Công ước về luật Biển 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.