Cần nhìn về tương lai

15/07/2012 03:30 GMT+7

Ngoại trưởng và quan chức ngoại giao cao cấp của 10 quốc gia ASEAN đã làm việc cật lực cả tuần qua để tìm kiếm sự hợp tác trong khối và với nhiều quốc gia ngoài khối trên nhiều lĩnh vực.

>> Hội nghị ASEAN không ra được Thông cáo chung

Một tuyên bố chung cuối cùng là văn kiện không chỉ ghi nhận kết quả làm việc, mà quan trọng hơn, là định hướng, đề cương cho hành động trong thời gian tới, mà gần nhất là Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11 năm nay. Đáng tiếc, một văn kiện như thế đã không thể được đưa ra chỉ vì bất đồng về việc có đề cập hay không những diễn biến đáng quan ngại gần đây trên biển Đông.

Tổng thư ký Surin Pitsuwan gọi sự kiện xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN này là “đáng thất vọng”. Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia cho rằng việc ASEAN không đạt được tiếng nói chung ở hội nghị là “cực kỳ vô trách nhiệm”. Ngoại trưởng Singapore K.Shanmugam cũng nói “kết quả này vô cùng đáng thất vọng” và nó “giáng một đòn mạnh vào uy tín ASEAN”. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh cũng “lấy làm tiếc”.

Tuy nhiên, bên cạnh một số bất đồng, những vận động ngay trong lòng xung khắc vẫn cho thấy tín hiệu để kỳ vọng.

Một nhà ngoại giao Philippines đề nghị giấu tên nói với các phóng viên sau khi hội nghị kết thúc rằng, trong lúc các bất đồng chưa ngã ngũ, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa không ngừng đưa ra những sáng kiến và giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Có thể ông Natalegawa chưa thành công trong lúc căng thẳng cao trào. Nhưng lập luận của ông sau hội nghị rất đáng để chúng ta suy nghĩ: “Bất cứ khi nào có sự cố, đó thật sự là lúc chúng ta cần tăng cường nỗ lực, chứ không phải dừng lại”. Và ông tin tưởng: “Khi mọi thứ đã chùng xuống, cảm xúc lắng lại, chúng ta sẽ phải tự hỏi “tiếp theo là gì?”, “mục tiêu của chúng ta trong vấn đề này là gì?”. Và chúng ta cần phải củng cố vai trò tập trung của mình”. Ông khẳng định Indonesia không bao giờ để ASEAN đánh mất vai trò tập trung trong khu vực, bởi “có quá nhiều mối nguy đang hiển hiện ở đây, không chỉ đơn giản là vấn đề biển Đông”.

Không có tranh chấp ở biển Đông, nhưng Singapore đã thể hiện rõ quan ngại rằng căng thẳng ở biển Đông sẽ làm phương hại đến “lợi ích nền tảng” của nước này, đó ít nhất là quyền đi lại tự do trên biển. Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Luật pháp Singapore Shanmugam, theo tiết lộ của nhà ngoại giao giấu tên, ủng hộ việc đưa vấn đề biển Đông vào Tuyên bố chung. Ông Shanmugam cũng phát biểu trên báo Channel News Asia: “Việc xây dựng một khuôn khổ luật lệ và quy tắc ứng xử giữa các nước, đặc biệt là trong khu vực càng rõ ràng càng tốt cho chúng tôi. Bằng không, nước nhỏ sẽ bị chà đạp vô nguyên tắc”.

Sau sự kiện ngày 13.7, ông Shanmugam phát biểu: “Lợi ích cốt lõi của chúng ta là làm cho ASEAN mạnh mẽ và uy tín cả an ninh lẫn kinh tế. ASEAN sẽ phải ngồi lại và tìm cách đi tới, phục hồi lại từ sự kiện này”.

Lập trường của Việt Nam, như Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định, là dù có hay không tuyên bố chung của hội nghị, thì các quyết định đã có của ASEAN vẫn phải được nghiêm túc triển khai. “Hơn bao giờ hết, các nước ASEAN cần phải nêu cao trách nhiệm, duy trì và củng cố đoàn kết, phát huy vai trò và đóng góp chủ đạo của khối trong các vấn đề ưu tiên và thiết yếu”, ông Vinh nói.

Tổng thư ký Pitsuwan đang kêu gọi và tin tưởng các nước ASEAN sẽ nối lại nỗ lực thương thảo để đạt được một tiếng nói chung về hội nghị vừa qua.

Thục Minh
(Từ Phnom Penh, Campuchia)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.