Cấm bài hát

Chuyện Cục Nghệ thuật biểu diễn bỗng dưng tuyên bố không cấp phép cho một số ca khúc, trong đó có bài Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn cũng chưa cấp phép, cứ như thể một cú lốp bóng qua đầu công chúng yêu âm nhạc để ghi bàn đốt lưới nhà.
Hàng loạt câu hỏi ập đến tấn công suy nghĩ của bất cứ ai có quan tâm về nghệ thuật. Họ định cấm gì? Định bảo vệ cái gì? Định quản lý cái gì?
Và câu hỏi quan trọng nhất phải đặt ra, phải tìm câu trả lời rành mạch, như thể phải tìm một liều thuốc đủ hiệu lực để ngăn chặn ngay lập tức một chứng bệnh lạ thường trong tư duy quản lý văn hóa. Rằng họ đã nhân danh điều gì khi tuyên bố không cấp phép cho một tác phẩm âm nhạc nào đó vốn đã có một sức sống mãnh liệt đủ để vượt qua nhiều năm tháng của lịch sử và cuộc đời?
Ban đầu là chuyện cấm 5 ca khúc sáng tác trước 1975. Những lý lẽ của các quan chức văn hóa liên quan dường như cho thấy họ nhân danh nhiều thứ khác nhau tiền hậu bất nhất. Có vị tuyên bố 5 ca khúc bị cấm “không có vấn đề về tư tưởng, chính trị”. Có vị đặt câu hỏi cho thấy điều ngược lại: ““Chiến trường anh bước đi” là chiến trường nào đây?”. Có vị nói sang chuyện quyền tác giả và quyền liên quan. Có vị tuyên bố Cục Nghệ thuật biểu diễn hoàn toàn đủ thẩm quyền để cấm lưu hành bài hát. Nhưng rồi cũng chính Cục này ngày 14.4 ra quyết định thu hồi lại quyết định cấm 5 bài hát nói trên. Cú lốp bóng qua đầu công chúng nghệ thuật tưởng vô hại nhưng rõ ràng đã ghi bàn đốt lưới nhà ngành văn hóa.
Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL đành thẳng thắn thừa nhận: “Tôi đã nói anh em phải xem lại mình”.
Là xem lại gì, nếu không phải là xem lại thứ tư duy kẻ cả trước lịch sử trong chính lời ông Biên nói: “Chúng ta đã thống nhất đất nước bốn mươi mấy năm rồi, dân trí ngày càng được nâng lên. Đối với các tác phẩm xưa, mình phải có cách nhìn vừa công bằng, vừa bao dung”. Sự bao dung lớn nhất, sau hơn bốn mươi năm hòa bình, nếu muốn nói đến, phải là “không cần nhắc đến sự bao dung”. Phải là đừng cho phép mình được quyền bao dung trước người khác nữa. Người dân đã không cần sự bao dung ấy từ lâu lắm rồi. Nhất là với những bài hát đã sống đâu đó rất bền bỉ trong ngóc ngách cảm xúc âm nhạc của họ.
Là xem lại những gì, nếu không phải là xem lại thứ tư duy quản lý lỗi thời của những vị quan chức say mê trò chơi cấm đoán và xin phép. Đất nước mình mất bao nhiêu năm để học ra bài học cay đắng, rằng không nên áp tội danh “kinh doanh trái phép” nữa, mà nên chuyển qua cho phép kinh doanh tất cả những gì không bị cấm để khơi thông nguồn lực phát triển của xã hội. Thử nhìn vào cuộc chơi cấm đoán và xin phép cho các bài hát vừa rồi của Cục Nghệ thuật biểu diễn, chúng ta không thể không chần chừ trong việc phải chích một liều thuốc thật mạnh, thật đau để triệt nọc tư duy quản lý lỗi thời và quan liêu.
Lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, và nhiều thứ giá trị đặc biệt nữa của văn minh nhân loại chẳng bao giờ cần đến bất cứ một giấy phép nào để trường tồn trong trái tim công chúng đâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.