Cái "tối thiểu" cũng không cần?

18/07/2006 23:55 GMT+7

Các quy định trong Quyết định (QĐ) 115 của Bộ Công nghiệp được coi là những yếu tố thiết yếu nhất đối với bất cứ một nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô nào. Chẳng hạn như phải có hệ thống sơn điện ly, có đường thử, hệ thống nhà xưởng đủ rộng... Bộ Công nghiệp khẳng định, quyết định này hoàn toàn không gây khó dễ cho các doanh nghiệp (DN) làm ăn đúng đắn, chỉ loại bỏ những doanh nghiệp đầu tư nhỏ lẻ, làm ăn theo kiểu chụp giật.

Để giám sát việc thực hiện quy định này, Bộ Công nghiệp đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và gia hạn đến 30/12/2005 doanh nghiệp nào không đáp ứng được QĐ 115 thì không được sản xuất, lắp ráp xe ô tô. QĐ này đã tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các DN đầu tư có bài bản. Tuy nhiên, dù hạn chót đã qua lâu rồi nhưng chẳng có đơn vị nào bị tạm dừng sản xuất dù có rất nhiều DN không đạt các tiêu chí của QĐ 115. Chẳng hạn riêng tiêu chí sơn điện ly thôi, trong số hàng chục DN sản xuất, lắp ráp ô tô, chỉ có Xuân Kiên, Trường Hải và một vài đơn vị khác đạt yêu cầu.

Kiểm tra rất rôm rả, báo chí cũng tốn khá nhiều giấy mực, các DN mong muốn có một môi trường kinh doanh tốt mỏi cổ chờ, vậy mà mới đây một lãnh đạo Bộ Công nghiệp cho biết: đến thời điểm này thì những yêu cầu đó... không còn phù hợp dù vẫn khẳng định, đó là những yêu cầu tối thiểu của một DN sản xuất, lắp ráp ô tô. Trả lời câu hỏi: các yêu cầu tối thiểu mà nhà sản xuất còn không đáp ứng được thì chất lượng sản phẩm sẽ rất thấp, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị xâm hại? Vị lãnh đạo trên đùn đẩy trách nhiệm: QĐ 115 chỉ là các quy định cho đầu vào, đầu ra vẫn có Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải) kiểm soát.

Nếu đúng như lập luận của vị lãnh đạo trên thì cần gì phải "đẻ" ra QĐ 115, Bộ Công nghiệp cần gì phải tốn công, tốn sức lập ra các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra cả tháng trời ở hầu khắp các DN? Chúng tôi càng ngỡ ngàng khi được biết, tiêu chí sơn điện ly lại không nằm trong danh sách các bộ phận cần phải kiểm định của Cục Đăng kiểm. Trong khi các chuyên gia ô tô đều khẳng định, với xe ô tô tải, sơn điện ly có nghĩa vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của xe.

Cũng như việc ban hành tiêu chuẩn khí thải, các nhà sản xuất, lắp ráp xe ô tô con trong nước đều khẳng định xe của họ hoàn toàn có thể đạt tiêu chuẩn Euro 2, thậm chí có thể cao hơn nữa. Tất nhiên là chi phí sản xuất tăng lên, lợi nhuận bị giảm. Vì vậy họ chẳng dại gì làm điều đó khi không có quy định nào yêu cầu họ phải thực hiện. Các tiêu chuẩn đối với DN lắp ráp, sản xuất ô tô tải cũng vậy. Lẽ ra tất cả đều phải có một mặt bằng chung giống nhau để các DN có một môi trường bình đẳng. Không kiên quyết thực hiện QĐ 115 vô hình trung đã tạo điều kiện cho những đơn vị làm ăn chụp giật, ngược lại, DN nào đã đầu tư lớn lại gặp khó khăn. Bị thiệt nhiều nhất vẫn là quyền lợi của hàng vạn người tiêu dùng.

Để giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, chúng ta đang có chủ trương khuyến khích người dân chuyển xe công nông sang sử dụng xe tải nhỏ. Hầu hết những người có nhu cầu chuyển đổi từ xe công nông sang xe tải nhỏ lại không có kiến thức về ô tô. Trong số 20 người được hỏi khi đến các đại lý để mua xe, chỉ có 2 người hỏi loại xe này có điện ly hay không ? Các đại lý thì cố tình không giúp người mua phân biệt được điều này. Cuối cùng thì người mua bị chịu thiệt nhiều nhất, người hưởng lợi là những "ông bóc ngắn, cắn dài".

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.