Bớt nhìn vào màn hình

25/06/2017 06:56 GMT+7

Chúng ta vừa kỷ niệm ngày của Mẹ (14.5) và ngày của Cha (18.6). Tiếp nối dư vị yêu thương của hai ngày 'công cha - nghĩa mẹ' ấy là ngày Gia đình Việt Nam (28.6) sắp đến.

Thời gian không vô tình, không vật lý như người ta… đổ thừa cho nó mà trái lại, thời gian thật hữu tình và tâm lý lắm. Không thì tại sao chỉ trong vòng tháng 5 và 6, chúng ta lại liên tục có những dịp tạm rời “guồng quay công nghiệp” để nghĩ về Mẹ, về Cha, về Gia đình? Có thể nói tổ ấm gia đình với ông bà, mẹ cha, vợ chồng, con cái là những hình ảnh đầy ắp yêu thương. Đó thực sự là những nhịp sóng nhẹ nhàng và êm ái vỗ mãi vào bờ bến ân tình, nơi trái tim ta luôn thầm nhắc: Nước có nguồn, cây có cội.
Gia đình là cái nôi sinh sản, san sẻ và chan chứa ân nghĩa. Từ không gian gia đình nho nhỏ mà mênh mông ấy, những người cùng huyết thống đã bù sớt cho nhau biết bao ngọt bùi, cay đắng, ấm lạnh, buồn vui. Và khi ta bay ra trời rộng, là xã hội lớn lao ngoài kia, gia đình vẫn là nơi chưa bao giờ nguôi tắt ngọn lửa ấm áp đón đợi ta về.
Vậy mà buồn thay! Những năm gần đây, nhịp sống số với những phương tiện kỹ thuật truyền thông đắc dụng đang len lỏi vào từng gia đình, khiến các thành viên trong mỗi nhà ít nhiều đều bị nhiễm “vi rút” vô cảm. Công bằng mà nói, thời @, internet, Facebook, Zalo, Twitter… đã san phẳng mọi gập ghềnh của không gian địa lý, mang mọi người đến gần nhau hơn. Nhưng đó là sự gần gũi trong thế giới ảo, thứ gần gũi “lạnh lùng”. Với chiếc smartphone nhỏ gọn, ngồi ở quê nhà vẫn có thể thấy và “còm” với người thân đang dạo chơi trên đường phố Mỹ qua Instagram; có thể nhìn và tán gẫu với ai đó bằng cuộc gọi video qua messenger; có thể nhoáy một cái email nhanh như chớp mắt; có thể đưa hình ảnh lên Facebook thông tin với bạn bè rằng ta đang ăn gì, uống gì, mặc gì, nghĩ gì…
Không ít lần tôi chứng kiến cảnh những gia đình đi uống cà phê… câm buổi sáng cuối tuần. Có lần, bốn con người ngồi chung bàn nhưng mỗi người là một thế giới riêng. Ai cũng cúi mặt vào điện thoại của mình, ngón tay hí hoáy quẹt ngang quẹt dọc. Triệu chứng “nói ít, quẹt nhiều” do con vi rút vô cảm từ… điện thoại gây ra. Anh chồng cười thật tươi, nhưng không phải cười với vợ. Người vợ cặp mắt long lanh nhưng không phải long lanh với chồng. Cô con gái bấm bấm bàn phím rồi sang bàn bên “tám” với bạn. Cậu út dán mắt vào game.
Đó là một gia đình nhưng là gia đình lỏng lẻo, chất kết dính của sự yêu thương bỗng dưng lẩn khuất. Bữa cà phê lạnh tanh bởi thiếu vắng những lời hỏi han, thủ thỉ, tâm tình.
Thật ngại ngùng khi ngày Gia đình VN, ngày tôn vinh những giá trị huyết thống mà phải nói đến chuyện không vui này. Nhưng quả thật, chiếc smartphone vô tri đang khiến lòng người trở nên vô cảm. Hãy bớt nhìn màn hình để nhìn vào những gương mặt yêu thương trong gia đình. Chả lẽ không được sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.