Bóng đá xấu xí trở lại

13/05/2018 09:00 GMT+7

Đầu năm 2018, người hâm mộ cả nước vui mừng với những hình ảnh đẹp mà các cầu thủ U.23 VN tạo nên trên đấu trường quốc tế.

Nhiều người đã rất kỳ vọng hiệu ứng U.23 sẽ lan truyền bóng đá đẹp đến các giải đấu quốc nội.
Họ tin rằng, các HLV, cầu thủ, trọng tài, quan chức... và cả cổ động viên sẽ xem gương U.23 để phần nào cải thiện hình ảnh bóng đá trong nước, vốn rất ảm đạm trong nhiều năm qua.
Thế nhưng, bản chất của nền bóng đá xấu xí vẫn tồn tại và bộc phát như chứng bệnh nan y không tài nào chữa khỏi. Đầu tiên là cảnh cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng ở các cầu trường ngoài bắc lẫn trong nam. Kế đến là vấn nạn trọng tài làm người hâm mộ không còn tin vào các trận đấu sạch. HAGL đã chơi một trận nỗ lực trên sân Nha Trang ở vòng đấu thứ 7, nhưng tiếng còi méo của trọng tài Nguyễn Văn Kiên khiến những giọt nước mắt uất nghẹn của cầu thủ phố núi lăn dài. Nhưng đâu chỉ mình ông Kiên “vấy đục”, mà có cả còi vàng Nguyễn Trọng Thư, rồi Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền không được Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) mời điều hành các giải đấu. Thanh Niên vừa có loạt bài bóc tách vùng tối trọng tài VN, nhưng đó cũng chỉ mới là những phần rất nhỏ của vấn nạn trọng tài được ví như là vòi bạch tuộc thao túng bóng đá VN.
Nạn trọng tài chưa lắng xuống, nạn bạo lực lại lên ngôi. Ở tứ kết Cúp quốc gia, Hà Nội - đội đang đầu bảng V-League với nhiều tuyển thủ U.23 để lại hình ảnh xấu xí trên sân Pleiku. Phạm Thành Lương, người có đến 4 lần đoạt quả bóng vàng, được xem là một cầu thủ lớn của bóng đá VN đã không tiếc lời chửi trọng tài. Nhưng không chỉ có cầu thủ để lại hình ảnh xấu, HLV và Ban lãnh đạo Hà Nội cũng có những hành động không thể chấp nhận được. HLV Chu Đình Nghiêm lao ra sân mạt sát trọng tài, Giám đốc điều hành Nguyễn Quốc Tuấn thì ném vật lạ lên khán giả và muốn nhảy lên ăn thua đủ. Tất cả những hình ảnh đó, tạo nên cảnh hỗn loạn trên sân khiến người hâm mộ ngao ngán về một nền bóng đá bạo lực.
HLV, lãnh đạo đội bóng đáng ra là những người phải làm gương thì đằng này họ lại là những người kích động, cầm đầu nên không khó để lý giải về việc hành xử thiếu văn hóa của một số cầu thủ Việt.
Chúng tôi nêu ra những vấn đề trên không ngoài hy vọng Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và VPF mạnh tay hơn trong các quyết định xử phạt của mình. Nếu tiếp tục nhún nhường, du di, thỏa hiệp như các mùa giải vừa qua, thì chắc chắn bóng đá sẽ chết dần chết mòn khi người hâm mộ chán nản quay lưng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.