Bốc thuốc cần đủ liều

04/08/2021 04:41 GMT+7

Lẽ nào tiếp tục giảm cho doanh nghiệp, cho người kinh doanh mà người làm công ăn lương một lần nữa lại đứng ngoài vòng hỗ trợ?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các chính sách bổ sung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã đưa ra 4 giải pháp như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, 50% thuế với cá nhân, hộ kinh doanh; 30% thuế GTGT trong một số lĩnh vực dịch vụ, cũng như miễn tiền nộp chậm trong năm 2020, 2021.
Đáng nói là trong các giải pháp lần này, vẫn vắng thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương.
Trong 2 năm qua, nhiều chính sách, nhiều gói hỗ trợ đã được ban hành. Gói hỗ trợ lần này, mục đích cũng tương tự nhưng bối cảnh thì lại khác ở chỗ doanh nghiệp đã kiệt quệ hơn và tình thế khẩn cấp hơn. Thế nên tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã ban hành nghị quyết, trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19. Sau đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, chậm nhất là ngày 10.8, Bộ Tài chính phải trình những chính sách bổ sung hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhắc lại bối cảnh để thấy rằng điều quan trọng nhất của các chính sách này là thực thi nhanh, kịp thời, liều lượng phù hợp mới phát huy hiệu quả như mong muốn. Chẳng nói đâu xa, gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng vừa rồi là minh chứng rõ nhất. Với việc giảm 1/2 thủ tục, 2/3 thời gian so với gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng trước đó, thậm chí có giải pháp không yêu cầu người lao động, sử dụng lao động cung cấp hồ sơ khi cơ quan chức năng đã có dữ liệu quản lý. Nhờ vậy mà người dân tiếp cận dễ dàng hơn, thông thoáng hơn và chính sách này đã hoàn thành mục tiêu trong thời gian ngắn.
Gói cho doanh nghiệp, cá nhân - hộ kinh doanh cũng tương tự, muốn nhanh thì phải cắt tối đa các thủ tục không cần thiết. Với doanh nghiệp và các hộ kinh doanh thì việc này dễ dàng hơn vì đa số dữ liệu của họ đã được cơ quan thuế quản lý.
Thứ 2 là liều lượng, đây là vấn đề tối quan trọng, giống như chẩn bệnh bốc thuốc rồi ra liều lượng phù hợp. Thuốc không đủ thì bệnh khó khỏi mà sẽ dai dẳng, kéo dài, có khi bào mòn sức lực còn lại của người bệnh. Gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp nói chung đã suy kiệt. Lần bùng phát thứ 4 này còn trầm trọng hơn bởi những đơn vị có thể hoạt động thì chi phí tăng rất mạnh. Chúng ta đều thấy, từ vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào đều tăng cao, chưa kể phát sinh chi phí "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất... không thể đo đếm hết. Thế nên liều lượng hỗ trợ thế nào đủ để họ phục hồi, tái tạo là rất quan trọng.
Riêng với người làm công ăn lương, vốn luôn thiệt thòi từ đầu mùa dịch tới nay vì luôn nằm ngoài các gói hỗ trợ, cần thiết được bổ sung ở chính sách lần này. Gánh nặng trên vai họ đã được cộng thêm rất nhiều. Từ việc "cõng" thêm người thân thất nghiệp, giảm lương cho đến giá cả hàng hóa thiết yếu tăng vọt. Xoay xở lo đủ 3 bữa thôi cũng không đơn giản với nhiều hộ gia đình. Chưa kể ngưỡng thuế thu nhập cá nhân mà họ đang đóng (11 triệu với người nộp thuế và 4,4 triệu cho người phụ thuộc) được chứng minh là quá lạc hậu.
Lẽ nào tiếp tục giảm cho doanh nghiệp, cho người kinh doanh mà người làm công ăn lương một lần nữa lại đứng ngoài vòng hỗ trợ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.