'Bó tay' hay không làm?

08/11/2020 05:29 GMT+7

Chuyện tưởng chừng khó tin nhưng là sự thật khi một mạng lưới cờ bạc online tài trợ tổ chức sự kiện off-line ngay giữa một bar lớn ở Q.1 (TP.HCM) để thu hút con bạc.

Thế nhưng, sau khi nhận phản ánh từ Thanh Niên, Sở VH-TT TP.HCM phối hợp với UBND Q.1 (TP.HCM) kiểm tra, làm việc với chủ bar thì biết sự kiện đã kết thúc. Tuy nhiên, theo vị đại diện Sở VH-TT, chưa thể xử lý hành chính vì quy định của luật Quảng cáo không có điều khoản cấm quảng cáo các trang web cá cược. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước đã “bó tay” trước hành vi sai trái trên? Với cách hiểu này, các mạng cờ bạc trực tuyến có thể thoải mái quảng bá mà không lo ngại cơ quan chức năng xử lý!?
Trong khi đó, trong bài Mạng cờ bạc công khai lộng hành đăng trên Thanh Niên ngày 7.11, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu khoản 8 điều 7 luật Quảng cáo quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo có đề cập bao gồm “Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế”. Vì thế, theo luật sư Chánh, căn cứ thực tế, Chính phủ có thể ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Quảng cáo để xử lý hành vi quảng cáo cá cược trực tuyến.
Rõ ràng, cuộc sống luôn luôn vận hành, phát sinh những vấn đề mới nên pháp luật cũng phải luôn cập nhật kịp thời để điều chỉnh các phát sinh nhằm đảm bảo các chuẩn mực xã hội.
Trong vấn đề trên, cũng chính đại diện Sở VH-TT cho biết hồi đầu năm nay, một bảng quảng cáo ngoài trời có logo của mạng cờ bạc nói trên từng xuất hiện ở Q.Tân Phú (TP.HCM).
Như vậy, việc mạng cờ bạc quảng bá công khai chẳng phải vấn đề mới. Vậy thì, kể từ khi phát sinh vụ quảng cáo ở Q.Tân Phú vừa nêu, thì cơ quan chức năng đến nay đã đệ trình lên cấp trên về đề xuất thay đổi các quy định của pháp luật để kịp thời xử lý hay chưa? Hay từ đó đến nay, cơ quan chức năng vẫn bình chân như vại, để rồi đến khi xảy ra vụ quảng bá ở bar tại Q.1 thì cơ quan chức năng lại tiếp tục “bổn cũ soạn lại” là chưa có căn cứ pháp lý để xử lý.
Với vụ ở Q.Tân Phú, cơ quan chức năng đã linh hoạt tìm cách xử lý dựa trên hành vi không thông báo nội dung quảng cáo với cơ quan chức năng, thì trong vụ quảng bá tại bar ở Q.1, cơ quan quản lý có thực sự đã hết cách xử lý?
Những thực tế vừa nêu khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi phải chăng pháp luật đã “bó tay” trước hành vi sai trái như trên, hay cơ quan chức năng chưa thực sự nỗ lực để làm hết trách nhiệm mà nhân dân giao phó?
Và rõ ràng, nếu cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm thì chắc chắc những tệ nạn xã hội sẽ còn lan rộng. Cờ bạc sẽ còn khiến nhiều gia đình tan nhà nát cửa, sẽ còn khiến nhiều người nợ nần rồi làm liều trộm cắp, cướp bóc...
Khi đó, hệ lụy sẽ còn rất nhiều, mà trách nhiệm trước hết là của các cơ quan chức năng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.