Biết xấu hổ

28/02/2016 04:19 GMT+7

Xấu hổ là trạng thái được nhiều lãnh đạo cấp cao nhắc đến trong tuần qua (xấu hổ khi thủ đô nhếch nhác; nghèo khó, nợ nần…) để nhằm đến ý thức trách nhiệm, mức độ sẵn sàng với công việc của cán bộ, công chức.

Xấu hổ là trạng thái được nhiều lãnh đạo cấp cao nhắc đến trong tuần qua (xấu hổ khi thủ đô nhếch nhác; nghèo khó, nợ nần…) để nhằm đến ý thức trách nhiệm, mức độ sẵn sàng với công việc của cán bộ, công chức.

Cũng như trước đó, “xấu hổ” từng được nhắc đến nhiều lần, trước nạn tham nhũng gia tăng, khi VN tụt hậu về môi trường kinh doanh so với các nước láng giềng, khi những vụ đưa - nhận hối lộ động trời được phát hiện… để kêu gọi lòng tự trọng của bộ máy. Cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng nói một câu rất nổi tiếng: Làm gì cũng phải biết xấu hổ. Nếu không có văn hóa xấu hổ thì đất nước không bao giờ phát triển.
Có vẻ, nói đến “xấu hổ” rất dễ nhưng để biết xấu hổ lại khó khăn hơn nhiều. Có nhiều bằng chứng cho thấy, cái sự biết xấu hổ trong bộ máy công quyền, dường như đang bị nhiều cán bộ, công chức ở nhiều vị trí lãng quên, hoặc cố tình che đậy, lấp liếm, mặc dù dư luận xã hội chê trách, chỉ trích.
Adam và Eva chỉ nhận thấy mình trần truồng và giấu cơ thể không cho Chúa trời nhìn thấy khi ăn được trái cấm (trái trí tuệ). Điều này có nghĩa rằng, xấu hổ được hình thành gắn liền với tri thức. Đó là trạng thái bất an, lo lắng về hành động hay sự có mặt của mình có gây ảnh hưởng tới người khác hay không. Nó thường phát sinh khi những việc không mong đợi xảy ra hoặc bị người khác nhìn ra điểm yếu, kém của mình. Nói cách khác, xấu hổ chính là tâm lý e ngại sự đánh giá của người khác để điều chỉnh hành vi của bản thân.
Vậy có thể hiểu, những công chức “không xấu hổ” là vì bản thân họ không đủ tri giác để xấu hổ? Hẳn nhiên là không. Thói vô cảm, thiếu trách nhiệm, thái độ nhũng nhiễu đã khiến tâm lý xấu hổ của nhiều cán bộ, công chức bị lãng quên. Ai cũng có thể nhìn thấy khuyết điểm, tồn tại của bộ máy nhưng lại không ai thấy mình có trách nhiệm trong đó.
Bộ máy trì trệ, công việc bê trễ, thủ tục hành chính lằng nhằng, cán bộ nhũng nhiễu cũng chính bởi người ta không biết xấu hổ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thậm chí đã phải thốt lên “thủ tục hành chính giờ cay nghiệt, độc ác lắm”. Thủ tục ấy do những công chức “không biết xấu hổ” đặt ra và nó thường phải giải quyết bằng…tiền.
Tuy nhiên, không hy vọng, lòng tự trọng có được nhờ kêu gọi suông. Để xây dựng bộ máy công vụ "biết xấu hổ", chỉ có cách duy nhất là xác lập sự phụ thuộc vào dân. Chỉ khi xây dựng được các tiêu chí đánh giá cán bộ căn cứ trên sự hài lòng của người dân, chỉ khi cán bộ công chức buộc phải nhìn ngó thái độ của dân, điều chỉnh hành vi để tồn tại, mới mong có một nền hành chính có tự trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.