Biệt thự, biệt phủ và... chuồng heo

Việc gia đình ông Nguyễn Văn Đấu, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, nộp phạt vi phạm hành chính để cho tồn tại biệt thự xây dựng trái phép, một lần nữa đã làm dư luận bàn tán xôn xao.

Nói một lần nữa là vì trước ông, đã có nhiều trường hợp những người có chức quyền ở các tỉnh, thành khác gây bức xúc dư luận vì việc xây dựng trái phép.
Cho dù ông Đấu nói rằng đất ông đã chuyển nhượng cho con rể, nhưng khu biệt thự gồm một căn nhà lớn chính giữa, hai bên là hai nhà nghỉ mát bằng gỗ lợp ngói, xung quanh khu biệt thự được bao bọc bằng bức tường cao khoảng 2 m... vẫn để lại trong lòng mọi người nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời.
Một trong những câu hỏi đó là, biệt thự thực ra của ai? Tại sao trên khu đất nông nghiệp rộng 2.300 m2 ở xã Xuân Thạnh (H.Thống Nhất), nơi không có quy hoạch khu dân cư, lại có thể "mọc" lên một khu biệt thự như thế mà chính quyền địa phương vẫn coi như chuyện bình thường?
Trong khi các câu hỏi trên chưa được giải đáp thì bà Lê Thị Kim Trinh, Chánh văn phòng UBND H.Thống Nhất cho biết: Sau khi nộp phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng trái phép, con rể ông Đấu đã có đơn xin cho tồn tại công trình này đến khi nào nhà nước có nhu cầu lấy đất xây dựng công trình công cộng thì tự nguyện phá bỏ, không yêu cầu bồi thường và huyện đã đồng ý.
Một người dân làm nhà, đừng nói là không phép, chỉ đổ một đống cát sạn ra đường lập tức bị phạt, còn với cái khu biệt thự to đùng đó sao họ chẳng thấy gì? Đến khi thấy rồi thì phạt hành chính và cho tồn tại?
Trước đó, từ vụ việc ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, người ta đã phát hiện thêm 2 cán bộ khác cũng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại tổ dân phố 11, P.Ea Tam (TP.Buôn Ma Thuột) là ông Đỗ Thanh Xuân, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Thanh, một sĩ quan công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Đắk Lắk.
Bà Tuất (vợ ông Kỷ) sau đó đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng xin giữ lại các công trình xây dựng trái phép nói trên và cam kết sẽ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi tỉnh cho phép, nên phường đã có báo cáo gửi UBND TP xin ý kiến chỉ đạo.
Người dân ủng hộ việc giữ kỷ cương phép nước, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng nếu đặt các trường hợp xây dựng trái phép nói trên vào chủ thể là người dân thường thì sao? Chắc chắn nó sẽ được chính quyền địa phương xử lý một cách nhanh chóng. Cụ thể là ngày 10.7 qua, chính quyền TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) đã tiến hành cưỡng chế phá dỡ chuồng nuôi heo của bà Phan Thị Lan với lý do xây nhà trái phép rồi xây thêm vách ngăn để nuôi heo.
Người dân làm chuồng nuôi heo, nuôi gà trái phép cũng bị cưỡng chế, vậy tại sao biệt thự, biệt phủ lại không? Chẳng lẽ nó không bằng cái chuồng heo, chuồng gà?
Cách đây 2 năm, biệt phủ của một thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an Quảng Nam xây dựng trái phép trong khu đất rừng bên sườn núi Hải Vân đã bị UBND TP.Đà Nẵng ra quyết định đập bỏ, thu hồi lại đất rừng xây biệt phủ. Đó là sự công bằng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.