Biến cơ hội thành bàn thắng

22/09/2012 03:30 GMT+7

Sau hàng loạt các vụ sử dụng chất độc hại trong sản xuất hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, đồ chơi trẻ em... bị phát hiện, hàng Trung Quốc đang bị người dân tẩy chay. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước chiếm lại thị phần đã mất lâu nay. Tuy nhiên, biến cơ hội thành bàn thắng trên thực tế lại không hề dễ.

Các tiểu thương nói rằng rau củ quả Trung Quốc giờ ế ẩm. Tại các chợ đầu mối, khu vực tập kết hàng Trung Quốc cũng vắng vẻ hơn. Nhưng không khó để nhận thấy, ít có con số nói về chuyện các mặt hàng đồng loại của Việt Nam đã tăng số lượng để "điền vào khoảng trống". Sức mua tiếp tục yếu đi hay chúng ta chưa thể biến cơ hội thành bàn thắng? Có lẽ cả hai.

Một số DN giải thích rằng, không đơn giản để "làm bàn" bởi giá thành sản xuất trong nước hầu hết các sản phẩm vẫn cao hơn rất nhiều so với hàng Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cạnh tranh bằng giá vẫn là vũ khí hiệu quả. Nhưng đây mới chỉ là "nửa sự thật", một lý do quan trọng nữa là rất nhiều hàng hóa, sản phẩm của ta cũng mắc nhiều sai sót về chất lượng.

Một thực tế không thể phủ nhận là thực phẩm bẩn từ chính các DN trong nước ngày càng nhiều. Dùng chất cấm để nuôi heo siêu nạc, ủ giá bằng hóa chất... đều do chính các cơ sở trong nước thực hiện. Làm sao chúng ta có thể "ghi bàn" khi chính người sản xuất, pha chế, nuôi trồng lại không dám sử dụng sản phẩm của mình? Làm sao có thể "điền vào chỗ trống" hàng Trung Quốc khi chính hàng hóa của ta cũng đang khiến người tiêu dùng nội địa nghi ngại?

Nói như vậy để thấy việc biến cơ hội thành bàn thắng, cuối cùng chính là chất lượng sản phẩm. Đây mới chính là vũ khí hiệu quả nhất, bền vững nhất trong các cuộc cạnh tranh giành thị phần. Điển hình là việc các nhà bán lẻ Hàn Quốc, với sự ủng hộ của người tiêu dùng nội địa đã khiến 2 "ông lớn" trong ngành phân phối trên thế giới là Wal-mart và Carrefour phải rút khỏi thị trường này sau gần chục năm có mặt.

Vũ khí giá rẻ của các đại gia tên tuổi đã thất bại trước chất lượng, dịch vụ, sự am hiểu tâm lý tiêu dùng của các DN Hàn Quốc. Chúng ta cũng tương tự. Các DN trong nước cũng có những lợi thế về am hiểu tâm lý tiêu dùng, sự ủng hộ hàng nội địa của đại bộ phận người dân. Vấn đề còn lại là nhanh chóng nâng cao chất lượng và dịch vụ, tạo uy tín để "ghi bàn" như cách mà các DN Hàn Quốc đã làm.

Không chỉ với hàng tiêu thụ trong nước, thị trường nội địa cũng đã trở thành chiếc phao cứu sinh cho rất nhiều DN khi xuất khẩu khó khăn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài.  Cơ hội chưa bao giờ rõ ràng và thuận lợi như hiện nay. Biến cơ hội thành bàn thắng đang phụ thuộc hoàn toàn vào chính các DN, các cơ sở sản xuất, người làm ra sản phẩm nông nghiệp...

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.