Bí ẩn bãi sông Hồng

26/06/2015 04:43 GMT+7

Sông Hồng vốn vẫn được coi là dòng sông hung dữ mỗi khi lũ từ thượng nguồn đổ về. Hệ thống đê sông Hồng quả là công trình trị thủy vĩ đại của dân tộc ta để chống lại sự hung dữ của dòng sông. Vỡ đê năm 1971 là một minh chứng sinh động về thảm họa do thủy tặc từ sông Hồng gây ra.

Sông Hồng vốn vẫn được coi là dòng sông hung dữ mỗi khi lũ từ thượng nguồn đổ về. Hệ thống đê sông Hồng quả là công trình trị thủy vĩ đại của dân tộc ta để chống lại sự hung dữ của dòng sông. Vỡ đê năm 1971 là một minh chứng sinh động về thảm họa do thủy tặc từ sông Hồng gây ra.

Hiện nay, trên bãi sông Hồng thuộc địa phận P.Long Biên, Q.Long Biên cũng đang diễn ra một bí ẩn lớn, không mang tính thần thoại mà là bí ẩn giữa đời thực. Theo điều tra của Thanh Niên, Công ty CP đầu tư và phát triển xây dựng thương mại Bình An đang san lấp, tôn nền trên bãi đất bồi nằm trong vùng xả lũ sông Hồng trên diện tích hàng chục héc ta, nói như giám đốc công ty này là để “san gạt và trung chuyển tạo mặt bằng để trồng cây và ươm cỏ làm nguồn cỏ cho các sân golf trên địa bàn Hà Nội”. Thanh Niên xin phỏng vấn lãnh đạo UBND phường và quận thì đều bất thành do “bận đi họp”.

Như vậy, những thông tin biết được thì ở đây chứa đầy bí ẩn giữa đời thực, gắn với một dự án vì phúc lợi cùng chính quyền địa phương trên hành lang thoát lũ sông Hồng. Hành lang thoát lũ này đã được xác định theo quy hoạch do UBND TP phê duyệt vào năm 2009. Thực hiện quy hoạch này, 15.000 hộ dân cùng tất cả các công trình trên hành lang thoát lũ đã phải di rời, mặc dù rất tốn kém. Chính quyền địa phương cấp cơ sở cũng không cho những nông dân đã khai hoang để trồng ngô, trồng đậu trước đó được tiếp tục canh tác.  

Trên thực tế, câu chuyện san lấp, tôn nền này còn nhiều bí ẩn hơn vì những biểu hiện không giống những gì giám đốc công ty nói. Nền được tôn khá cao bằng cát, không giống như để làm phúc lợi mang tính nông nghiệp. Cát được chở đến từ một bãi sông Hồng khác cách đó khoảng 1 km, như đang đánh bùn từ ao này sang ao khác. Chẳng nhẽ công ty ấy phải bỏ ra bao nhiêu tiền để chơi trò “đánh bùn sang ao” hay sao?

Tóm lại, điểm quan trọng nhất cần nói tới ở đây là quy hoạch vùng thoát lũ sông Hồng đã được phê duyệt, đã được thực hiện rất nghiêm túc mặc dù phải tái định cư 15.000 hộ dân, thì nay lại có một dự án không rõ ràng chắn ngang dòng thoát lũ. Hay là quy hoạch thoát lũ đã được điều chỉnh mà không ai biết, ví dụ như sông Hồng trở nên hiền lành hơn mà không có lũ nữa chẳng hạn.

Nhìn lại thời gian đã qua, vào năm 1995, Hà Nội đã có “vụ án đê Yên Phụ - Tứ Liên” nổi tiếng với hơn 200 ngôi nhà xây dựng trái phép trên triền đê. Hệ quả là nhiều cán bộ bị kỷ luật, mất chức, tạm giam. Thường nhật, không ai để mắt tới quá trình lấn chiếm hành lang an toàn của con đê, khi nhìn lại thì sự đã rồi đó trở thành quá lớn. Hà Nội hãy nhìn vào vụ án này để nhìn thấy rõ hơn những gì mà Công ty Bình An đang thi công, thấy được sự nguy hiểm mà kịp thời quyết định dừng lại và bắt phải trả lại độ cao hành lang thoát lũ như xưa.   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.